Trong bảng xếp hạng 15 công việc gây nguy hiểm đến sức khỏe dựa trên dữ liệu từ Hệ thống thông tin nghề nghiệp (O*NET) của Mỹ do báo Business Insider thực hiện, nghề tiếp viên hàng không xếp thứ ba với mức độ rủi ro rất cao…
Chỉ ngủ 3,5 tiếng mỗi đêm
Cô Sarah Steegar, từng là tiếp viên cho một hãng hàng không lớn của Mỹ hơn 15 năm vừa tiết lộ sự thật về môi trường nghỉ ngơi của tiếp viên trên máy bay bằng bài viết trên diễn đàn Flyertalk. Sarah Steegar chia sẻ: “Nếu nhìn những bức ảnh quảng cáo, ta chỉ thấy viễn cảnh mà các nhà sản xuất máy bay vẽ ra. Ở đó, khu vực nghỉ dành cho tiếp viên tựa như ngôi nhà trên cây trong chuyện cổ tích dành cho trẻ con hoặc một câu lạc bộ ấm cúng, riêng tư mà không ai có thể làm phiền chúng tôi trừ khi có báo động. Nhưng, cảnh tượng nên thơ đó không bao giờ diễn ra trong đời thực”.
Sarah cho biết, đến giờ giải lao, các nhân viên ngay lập tức về chỗ ngủ và cố gắng chợp mắt ngay, không để lãng phí bất cứ một giây nào.
Đôi khi, các tiếp viên phải đứng giữa hai lựa chọn: Hy sinh 10-15 phút để lấp đầy bụng đói trước hoặc đi ngủ ngay trong khi bụng đang réo để tiết kiệm thời gian. Dù chi li đến mấy, thời gian ngủ một đêm thường chỉ khoảng 3,5 tiếng.
Theo một nghiên cứu năm 2010 được đăng tải trên Tạp chí Ergonomic, khi ngủ trên máy bay, chất lượng giấc ngủ của các thành viên phi hành đoàn chỉ đạt 70% và họ không hề cảm thấy sảng khoái. Họ ngủ chỉ vì quá mệt mỏi. Ông Captain Woodward – người cùng tham gia nghiên cứu trên cho biết, “được ngủ trên giường là điều kiện vô cùng quan trọng” để các thành viên phi hành đoàn nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Cảnh tượng nên thơ đó không bao giờ diễn ra trong đời thực
Phòng nghỉ bị thu hẹp
Mỗi loại máy bay có thiết kế khu nghỉ cho nhân viên khác nhau (có loại ở trên nóc máy bay, có loại ở dưới hầm), ngoài ra, các hãng hàng không cũng có thể đặt nhà sản xuất thay đổi thiết kế theo yêu cầu riêng. Thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều hãng hàng không tìm mọi biện pháp để nhồi thêm nhiều hành khách, tăng lợi nhuận, do đó, một khu vực rộng rãi dành cho tiếp viên nghỉ ngơi với họ đã trở nên xa xỉ.
Chẳng hạn, thiết kế ban đầu của máy bay Boeing 777-300 có 8 giường dành cho phi hành đoàn. Tuy nhiên, một hãng hàng không của Mỹ (Sarah giấu tên) đã cắt bớt chỗ ở của nhân viên, buộc họ giảm thời gian nghỉ ngơi, dành thời gian làm việc.
Với loại máy bay Boeing 757 và 767, chỗ ngủ dành cho nhân viên chỉ là một chiếc ghế và được ngăn cách bằng màn che. Thậm chí, có loại máy bay, chỗ ngủ của nhân viên đặt ngay gần nhà vệ sinh, người người qua lại không tránh khỏi va chạm vào người tiếp viên đang tranh thủ từng giấc ngủ.
Theo Dailymail, chiếc máy bay 777-300ER của hãng Cathay Pacific (Hong Kong) đặt chỗ ngủ của nhân viên ở cuối thân máy bay. Bản thân khu vực này như một đường hầm và các tiếp viên phải cúi mình luồn qua để tới phòng nghỉ. Khu vực diện tích hẹp đó là phòng nghỉ dành cho 8 nhân viên.
Giám đốc khu vực của Tập đoàn Boeing - ông Kent Craver cho biết: Tiếp viên cần được dành riêng khoảng không gian để nghỉ ngơi. Hiện nay, một số thiết kế máy bay đời mới như Airbus A380, Boeing 787 Dreamliner đều có khu vực kín đáo dành riêng cho phi hành đoàn.
Điển hình, Boeing 787 Dreamliner có thiết kế hai khu vực nghỉ ngơi: một khu vực với 6 giường ngủ được thiết kế như gác xép tận dụng không gian phía trên cabin chính. Phòng còn lại nằm ngay sau buồng lái dành riêng cho phi công với hai giường ngủ. Để tiết kiệm chi phí, với các tuyến bay không dài, các hãng hàng không có thể đặt loại 787 không có khu nghỉ cho thành viên phi hành đoàn.
Hãng Jetstar của Australia là một trong những khách hàng đặt loại máy bay này. Đối thủ Airbus A380 cũng được thiết kế tạo điều kiện tối ưu cho các thành viên phi hành đoàn nghỉ ngơi. Khu vực nghỉ được đặt dưới hầm, khoảng giữa cabin chính. Không gian rộng rãi với 12 chiếc giường, có tích hợp hệ thống giải trí, gương, rèm che chống ồn…
CareerCast - cổng thông tin việc làm trực tuyến nổi tiếng của Mỹ từng thực hiện nghiên cứu xếp hạng 10 việc làm tồi tệ nhất năm 2013. Kết quả, nghề tiếp viên hàng không xếp thứ 10 - tương đương vị trí tồi nhất bởi ba lý do: Áp lực quá cao, lương thấp (đối với những người mới vào nghề) và điều kiện sinh hoạt hạn chế.