“Huy bò”
Thú vị là liên tưởng của chúng tôi về hình ảnh con bò mộng trong lần gặp đầu tiên chỉ là tình cờ, nhưng không ngờ lại “ứng” với một biệt danh mà “giang hồ” đặt cho ông: “Huy bò”!
Nguyên do ông Út Huy là người đầu tiên ở ĐBSCL nhập khẩu bò từ Australia về bán cho các lò mổ trong vùng.
Ông bảo “trước đây, mỗi ngày tôi bán khoảng 500 con, bây giờ thì chỉ còn 200”.
Hỏi mỗi năm thu lãi bao nhiêu, ông cười, không trả lời thẳng mà nháy mắt, nói “năm ngoái, tôi nộp thuế nhập khẩu từ kinh doanh bò cho tỉnh Long An gần 300 tỉ đồng”.
Khi chúng tôi nhắc đến biệt danh “Huy bò”, ông cười lớn, nói “tôi còn có nhiều biệt danh lắm, mỗi cái gắn liền với mỗi giai đoạn làm ăn, thành công nhiều nhưng thất bại, đắng cay cũng không ít.
Có người thấy tôi làm ăn, nghĩ rằng tôi được thừa kế tài sản lớn từ cha mẹ. Thật ra tôi đi lên từ một anh cày thuê cuốc mướn đúng nghĩa”.
Ông kể cha mất năm 1957 trong chiến khu vì bệnh, mẹ ông thủ tiết thờ chồng nuôi con.
“Năm 14 tuổi, tôi một buổi đi học, thời gian còn lại ôm vô lăng chiếc máy cày Massey Ferguson đời 69 đi cày thuê kiếm tiền phụ mẹ.
Nhà đông miệng ăn, lại toàn là nữ (5 chị gái) nên dù còn tuổi ăn tuổi ngủ, tôi đã là trụ cột của gia đình.
Nhiều bữa cày xong, nửa đêm tôi về tới nhà mệt đến mức không ngồi nổi, phải vừa nằm vừa ăn”.
Cho đến ngày đất nước thống nhất, tài sản lớn nhất của ông Út Huy vẫn là sức khoẻ và chiếc máy cày.
Ông lăn lộn đủ nghề từ chạy máy cày, đốn mía thuê, làm lò đường, trồng mì, trồng đậu… nhưng vẫn không khá lên được vì 3ha đất nhà bị chua phèn, trồng cây gì năng suất cũng thấp.
Năm 1977, khi 22 tuổi, ông rủ một số thanh niên trong xóm ôm chiếc máy cày và chút vốn đi Tây Ninh “khẩn hoang” 70ha đất trồng sắn (khoai mì).
Nhưng trận lụt năm 1978, toàn bộ sắn bị nước nhấn chìm, ông trắng tay, phải quay lại nghiệp làm thuê.
Năm 1982, ông lại ôm máy cày sang tỉnh Sông Bé (cũ) tham gia xây dựng vùng nguyên liệu mía do nhà máy đường Bình Dương phát động.
Được nhà máy đầu tư vốn, ỷ có sức khoẻ, máy khoẻ, ông nhận 80ha đất ở Tân Uyên rồi cày vỡ đất trồng mía.
Nào ngờ máy cày đất quá sâu, không giữ được nước, vụ đầu tiên ruộng mía chết hơn 80%.
Nhiều người tham gia trồng mía cũng rơi vào tình trạng như ông, phải bỏ của chạy lấy người. Riêng ông quyết ở lại làm trả nợ.
Không tiền mua gạo nuôi “quân”, ông thuyết phục hàng quán cho mua nợ.
Nhiều anh em tay trắng chấp nhận theo ông làm không lương, chờ ngày thu hoạch. Làm theo kiểu ăn trước trả sau, mất 6 năm, ông mới trả xong nợ nhà máy.
Đầu những năm 1990, khi Đông Âu sụp đổ, các nông trường quốc doanh hợp tác trồng cao su bị bỏ hoang.
Ông nhận 70ha đất ở Bời Lời (Tây Ninh), khai hoang phục hoá trồng mía. Đất vùng này thiếu nước, vụ đầu tiên hệ thống tưới không đảm bảo nên ông lại thua lỗ, phải 3 năm sau mới trả hết nợ.
Khi cả 2 vùng Tân Uyên và Bời Lời cây mía ổn định, mỗi năm sinh lợi trên 500 triệu đồng (thời điểm trước 1995), ông được mọi người gọi là “Huy mía”.
Dành dụm được số vốn tương đối lớn, ông về “rốn phèn” Đồng Tháp Mười (Long An) khai hoang 240ha đất trồng mía.
Không may, trồng cây nào chết cây đó, vốn liếng trôi sạch bởi phèn quá nặng, không cây gì sống nổi.
Ông định đầu hàng đất phèn thì ông Tạ Tuyết (Giám đốc Cty đường Hiệp Hoà, Long An thời điểm đó) động viên tiếp tục “chiến đấu”, hứa sẽ đầu tư và cho dãn nợ.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại xương máu trước đó, ông xây dựng hệ thống đê bao chống lũ, rửa phèn, cơ giới hoá...
Trận lũ lịch sử năm 2000 cuốn trôi mọi thứ, duy 240ha đất trồng mía của Út Huy nằm trong đê bao vẫn “vững như pháo đài”. Nhiều người xem đây là kỳ tích...
Nếu gọi Sáu Ngoãn là vua tôm, thì Út Huy là gì?
Ông Út Huy nói, muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải có dự báo chiến lược đối với từng loại cây trồng, vật nuôi ở ĐBSCL.
Ông bảo, “sau này đường ngoại nhập vào Việt Nam ồ ạt, rồi thêm đường lậu, cây mía mất dần thế đứng, tui biết thế nào mía đường cũng sẽ chết như bây giờ nên cần phải sớm thoát ra.
Nhưng tôi hàm ơn cây mía vì nó đã giúp tôi gầy dựng cơ nghiệp và đã có đến mấy chục năm gắn bó nên tôi cứ đắn đo, lần lữa, mãi không chịu dứt tình...”.
Nhưng rồi cuối cùng ông Út Huy cũng “ứa nước mắt dứt áo, vì biết trước sau gì cũng không trụ được với mía”.
Bỏ mía, ông Út Huy quyết định tái thiết cây trồng trên đất phèn. Và trước khi “tái thiết”, ông khăn gói tới Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam làm “học trò”.
Sau thời gian thọ giáo các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu như GS Võ Tòng Xuân, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu…, ông Út Huy quyết định đưa dưa hấu và ớt vào Đồng Tháp Mười “chiến đấu” với đất phèn.
Và kết quả thành công ngoài mong đợi, với năng suất bình quân 25 - 30 tấn/ha, mỗi năm ông Út Huy cung cấp cho thị trường vài trăm tấn ớt (ông không trồng rặt ớt trên 240ha vì thu hoạch ớt tốn rất nhiều nhân công).
Cái tên “Huy mía” giờ đây được bà con đổi lại là “Huy ớt”.
Tuy nhiên, 2 loại cây trồng này đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, kỹ thuật cao và cần nhiều lao động có tay nghề; cây lại rất mẫn cảm với thời tiết, giá cả thị trường cũng chưa thật ổn định nên đến 2007, ông quyết định chuyển sang cây khác.
“Tôi tập trung vào bưởi da xanh, xoài, mít và cây thanh long. Hiện nay toàn bộ diện tích đã bắt đầu cho trái, kết quả rất khả quan...”.
Trước đó, song song với trồng ớt và dưa hấu, khoảng năm 2000, ông Út Huy đưa mấy chiếc xe múc xuống xã Liêu Tú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đào ao thuê.
Vừa làm công vừa học nghề, đến năm 2001, ông đầu tư nuôi 17 ao tôm, nhưng lại thất bại ê chề.
“Năm đầu tiên tôi đi đứt mấy tỉ bạc. Hiểu ra là không thể nóng vội với con tôm, tôi dẹp mấy ao tôm qua một bên rồi lang thang khắp ĐBSCL tiếp tục tầm sư học đạo.
Cũng may là thời điểm này 240ha ớt ở Long An, 70ha cao su ở Bình Dương và 80ha sắn ở Tây Ninh… đều thu lãi, nên tôi không phải lăn tăn chuyện vốn liếng” - ông nói.
Sau hơn một năm trang bị thêm kiến thức nuôi tôm theo công nghệ sinh học, ông quay lại Sóc Trăng và đầu tư lớn để nuôi tôm trên diện tích 100ha.
Lần này thì ông đã thành công. Sau đó ông sang Bạc Liêu gom tiếp 60ha để mở rộng diện tích. Tới nay, diện tích nuôi tôm của ông ở 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng là 160ha.
Lâu nay ở ĐBSCL, người ta hay gọi ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) ở Bạc Liêu là “vua tôm”.
Nhưng nhớ lại, ông Sáu Ngoãn cùng anh em chỉ nuôi tôm trên 50ha, nên so sánh về diện tích và sản lượng đều thấp hơn ông Út Huy rất nhiều.
Vậy nếu ông Sáu Ngoãn là vua thì ông Út Huy là gì? Hỏi ông Út Huy, ông trả lời “thì hơn cả vua tôm chứ gì nữa” rồi cười rung rinh.
Sau trận cười, ông nghiêm giọng bảo “nói vui vậy thôi chứ anh Sáu Ngoãn có những việc mà tôi không bì kịp.
Ảnh sống móc ruột ra với dân, với đồng nghiệp. Ai muốn học về kỹ thuật nuôi tôm, anh chỉ bày rất tận tình”. Nói vậy nghĩa là Út Huy khác Sáu Ngoãn ở chỗ Út Huy toàn giấu bí kíp để làm một mình?
Ông cười: “Nói vậy cũng không đúng. Cách nuôi của anh Sáu Ngoãn nông dân ít vốn vẫn có thể học được, làm được.
Còn tôi nuôi kiểu công nghiệp, nông dân mình ít đất, ít vốn thì không thể áp dụng.
Ai hỏi chuyện làm ăn, tôi cũng bày cho người ta nhưng kèm theo dự báo.
Ví dụ bây giờ ai hỏi tôi về kinh doanh bò Australia, tôi sẽ bày hết cho người ta, nhưng sau đó khuyên là không nên kinh doanh bò Australia, vì làm được như tui rất khó.
Học cho đến khi làm được thì nhu cầu của thị trường đã khác.
Bây giờ muốn có lãi thì nên kinh doanh bò sữa, bởi nếu tôi dự báo không sai thì khoảng 3 năm nữa, việc kinh doanh bò thịt như tôi sẽ chết, nhưng bò sữa thì còn sống rất lâu nữa…”.