Dưới đây là những người phụ nữ nắm giữ quyền lực, phát minh hay chi phối ngành công nghiệp ôtô - mảnh đất xưa nay vốn thuộc về đàn ông.
Bertha Benz
Xe hơi vốn gắn liền với thế giới đàn ông. Nhưng ít ai biết, người đầu tiên điều khiển xe hơi lại là một người phụ nữ.
Bertha Benz (sinh 1849) tại Pforzheim, Đức là một nhà tiên phong trong ngành và là người điều khiển ôtô đầu tiên.
Karl Benz được biết đến là những người có công sáng lập nên hãng xe Mecerdes - Benz danh tiếng và là người sáng tạo nên mẫu xe hơi đầu tiên trên thế giới với 3 bánh và sử dụng động cơ đốt trong mang tên Patent Motor Car.
Thế nhưng, Karl Benz lại phải cảm ơn người vợ của mình, Bertha Benz bởi bà là người có công ở hầu hết trong các phát minh của ông.
Bertha đã góp phần quyết định vào thành công của chồng trở thành một nhà sản xuất ôtô, không chỉ bằng tinh thần mà còn cụ thể bằng các giúp đỡ tài chính.
Trước cuộc hôn nhân, Karl Benz lâm vào trình trạng khó khăn về tài chính. Bà xin trả trước tiền hồi môn và bằng số tiền này đã cứu doanh nghiệp của chồng khỏi cảnh sụp đổ.
Sau đó, khi chiếc ôtô đã đăng ký bằng phát minh không được chấp nhận như kỳ vọng, ngày 5/8/1888, không cho chồng biết, bà đã cùng hai con trai là Richard và Eugen dùng xe chạy 106 km từ Mannheim về Pforzheim thăm cha mẹ của bà.
Chuyến đi ôtô đường dài thành công đầu tiên này đã góp phần quan trọng vào việc đánh tan các nghi ngại của khách hàng và sau đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành công về mặt kinh tế.
Với chuyến đi đó, Bertha Benz trở thành người lái ôtô đầu tiên trong lịch sử thế giới.
Mary Barra
Mary Barra xứng đáng là người phụ nữ quyền lực nhất ngành công nghiệp ôtô khi nắm giữ quyền cao nhất hãng xe Mỹ General Motors (GM).
Năm 2014, Mary từ vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu đã lên nắm quyền Giám đốc điều hành của GM.
Và trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới ngồi ghế lãnh đạo một nhà sản xuất lớn trong ngành ôtô.
Ngày 4/1/2016, hãng xe Mỹ đã chính thức bổ nhiệm Mary Barra nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Và một lần nữa, Mary Barra làm nên lịch sử khi là người phụ nữ nắm giữ 2 trọng trách cao nhất của một trong những hãng xe lớn nhất nước Mỹ.
Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO của GM gần 2 năm trước, Mary Barra đã chèo lái GM vượt qua nhiều sóng gió và giữ vững thị phần của mình.
Đáng kể là vụ bê bối khi hệ thống công tắc đánh lửa trên xe của hãng này bị lỗi khiến hơn 60 người chết và GM buộc phải thu hồi 2,6 triệu xe. Sau vụ việc, nữ CEO 54 tuổi buộc phải điều trần trước quốc hội Mỹ.
Sau vụ bê bối, Mary Barra đã kiên quyết từ chối lời đề nghị sáp nhập từ đối thủ Fiat Chrysler và trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất do tạp chí Fortune và Forbes bình chọn.
Grace Lieblein
Grace Lieblein nắm giữ vị trí Phó chủ tịch chuỗi cung ứng và mua bán toàn cầu của thương hiệu GM.
Bà chính là người trực tiếp báo cáo tới Mary Barra, giám sát 6.700 nhân viên và ngân sách mua bán 77 tỷ USD dành cho phụ tùng và dịch vụ được cung cấp bởi 3.000 đơn vị trên toàn thế giới.
Trước khi nhận nhiệm vụ này, bà từng là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GM Brazil.
Elena Ford
Elena Ford được biết đến là cháu gái của Henry Ford, người sáng lập của Công ty Ford Motor.
Thế nhưng, Elena cũng là người có nhiều đóng góp vào thành công của hãng và trở thành người phụ nữ đầu tiên của nhà Ford nẵm giữ vị trí quan trọng trong công ty được thành lập bởi người ông của mình.
Tháng 3/2013, Elena chính thức nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị quản lý khách hàng, chất lượng xe và đại lý để giúp Ford mở rộng hoạt động trên toàn cầu.
Và cũng là thành viên nữ đầu tiên của gia đình nắm giữ chức vụ này. Trước đó, bà làm việc tại bộ phận quan hệ khách hàng của công ty.
Michelle Christensen
Các siêu xe Acura NSX ra mắt tại Detroit Auto Show thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng bởi sức mạnh và thiết kế tuyệt đẹp của mình.
Điều ít ai biết được là vị lãnh đạo dự án thiết kế này là người phụ nữ mới 34 tuổi.
Michelle Christensen, 34 tuổi, người Mỹ. Ngoài lãnh đạo dự án thiết kế cho các mẫu xe hơi của NSX còn được biết đến là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đội ngũ thiết kế một chiếc siêu xe.
Cô gia nhập đội trong thời gian ngắn sau khi Acura NSX concept ra mắt tại triển lãm Detroit năm 2012.
Người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thiết kế dòng xe này cho biết: "Chúng tôi đã thực sự cố gắng để Acura giống như một tác phẩm điêu khắc", và quả thực siêu xe này đã cuốn hút nhiều người.
Danica Patrick
Không phải là người phát minh hay nắm giữ quyền lực trong các hãng xe, nhưng Danica Patrick lại là người phụ nữ quyền lực trong ngành ôtô.
Danica Patrick là tay đua nữ thành công nhất trong lịch sử và là người nữ đầu tiên dẫn đầu giải đua khốc liệt Indy 500 cũng như giành chiến thắng tại Daytona 500.
Tay đua xinh đẹp từng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình, các trang bìa tạp chí, làm người mẫu cho nhiều sản phẩm, từ nước hoa đến xe hơi và là nhân vật khách mời trong trò chơi video "Sonic & All-Stars Racing Transformed".
Danica Patrick được biết đến với phát ngôn: "Tôi lớn lên để trở thành tay đua nhanh nhất chứ không phải là cô gái nhanh nhất".
Linda Hasenfratz
Không chỉ nắm giữ quyền lực, Linda Hasenfratz còn được biết đến là một nữ tướng đầy tham vọng.
Hasenfratz đón nhận vai trò của Giám đốc điều hành từ cha và người sáng lập của Công ty Cổ phần Linamar, một trong các nhà sản xuất linh kiện ôtô lớn nhất của Canada.
Linamar từng lập kỷ lục khi bán ra số linh kiện trị giá 3,1 tỷ USD trong năm 2012. Nhưng mọi chuyện chưa làm bà bằng lòng, Hasanfratz đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần doanh thu vào năm 2020.
Bà cũng là người nhận được danh hiệu Doanh nhân của năm do EY bình chọn năm 2014. Linda Hasenfratz là người phụ nữ đầu tiên giữ chức danh này.
Florence Lawrence
Florence Lawrence được biết đến là nữ diễn viên điện ảnh đầu tiên trên thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, Florence Lawrence lại có những đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp ôtô với các phát minh của mình.
Florence Lawrence chính là người phát minh ra đèn xi nhan và đèn phanh, những bộ phận không thể thiếu trên xe hơi ngày nay.
Thiết bị này ban đầu được gọi là “auto signaling arm” bao gồm một nút điều khiển có thể nâng lên hoặc hạ xuống được gắn kết với cản sau của chiếc xe sẽ phát ra tín hiệu khi người lái muốn rẽ trái hay rẽ phải.
Tuy nhiên, Florence Lawrence đã không đăng ký bản quyền phát minh của mình.
Juliane Blasi và Nadya Arnaout
Juliane Blasi và Nadya Arnaout là hai nhà thiết kế chính của mẫu xe BMW Z4 và được xem là tác giả của trào lưu mui cứng.
Tại Triển lãm ôtô Detroit 2009, ông Adrian van Hooydonk, Giám đốc thiết kế của BMW đã có một bất ngờ thú vị dành cho các phóng viên khi giới thiệu mẫu BMW Z4 thế hệ mới.
Phần đông phóng viên xuất hiện tại đây đã nói rằng thế hệ mới của Z4 có hình thức thể thao, năng động, hiếu chiến và nam tính hơn.
Adrian van Hooydonk, khi đó còn chưa giữ chức Giám đốc thiết kế BMW đã hoàn toàn đồng ý và và ngỏ ý muốn giới thiệu những người thiết kế chiếc xe.
Trước sự ngỡ ngàng của phóng viên, ông dẫn tới hai phụ nữ: Juliane Blasi, 32 tuổi, nhà thiết kế ngoại thất, và Nadya Arnaout, 37 tuổi, người phụ trách thiết kế nội thất.
Juliane Blasi và Nadya Arnaout cũng được xem là tác giả của trào lưu xe hơi sở hữu mui cứng.