Tình trạng đóng băng của bất động sản khiến người dân thờ ơ với nhà ở mặc dù có nhiều chiêu ưu đãi liên tục được tung ra, từ giảm giá, hỗ trợ vốn vay, giảm lãi suất…
Hiện nay, nhiều chính sách có lợi cho việc tiêu thụ bất động sản đã được áp dụng, các căn hộ cũng được tiêu thụ suôn sẻ hơn, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những căn hộ không may mắn.
Khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm) do Vinaconex làm chủ đầu tư là một trong nhiều ví dụ. Tại khu đô thị này còn khá nhiều căn hộ chưa thể bán được, cỏ mọc kín lối đi, đang dần xuống cấp.
Dự án Trung Văn để cho cây dại quấn chằng chịt lối đi (Ảnh: Trí Lâm)
Không riêng căn nhà nào, nhiều căn nhà ở dạng xây thô không bán được trở thành nơi sinh sống cho cây dại (Ảnh: Trí Lâm)
Trao đổi với người dân sống gần khu vực, được biết, những căn biệt thự có giá cả cao hơn nhiều lần so với nhà liền kề.
Một căn biệt thự 140m2 có giá gần 18 tỷ đồng. Còn những căn nhà liền kề ở có mức giá dao động từ 6-10 tỷ đồng/căn, tùy thuộc vào diện tích.
Thông thường, diện tích dưới 100m2 có giá khoảng 80-85 triệu/m2.
Hay một ví dụ khác là Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) cũng lâm vào tình trạng nhiều căn hộ bị rơi vào "quên lãng".
Khu đô thị này có diện tích 94,1 ha, do Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest làm chủ đầu tư với 820 triệu USD cho dự án.
Được biết, giá để sở hữu căn nhà liền kề dưới 100m2 ở khu vực này dao động từ 3-7 tỷ đồng. Với căn biệt thự có vị trí đẹp thì có lên đến hàng chục tỷ đồng.
Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) cây dại mọc lan trong những căn nhà đã hoàn thiện nhưng chưa bán được (Ảnh: Trí Lâm)
Biệt thự "rác"!
Không chỉ ở khu vực nội thành, các khu vực ngoại thành như Từ Liêm, Hoài Đức... cũng tồn tại nhiều căn biệt thự bỏ hoang tại các khu đô thị.
Và vô hình, nhiều căn biệt thự đã trở thành nơi tập trung rác thải của khách vãng lai.
Tại khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức – Hà Nội), hàng loạt biệt thự, nhà liền kề rơi vào tình trạng ế ẩm, xuống cấp.
Chủ đầu tư dự án Nam An Khánh là Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị và KCN Sông Đà (Sudico) .
Dự án Nam Anh Khánh (Hoài Đức) cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.
Bên ngoài xuống cấp, bên trong các căn hộ nước ngập và rác thải vứt tung tóe do khách vãng lai để lại.
Cảnh bên trong một căn hộ ở Nam An Khánh (Ảnh Trí Lâm)
Sau thời gian hàng chục năm không thể hoàn thành, dự án Nam An Khánh từ nơi được kì vọng là “thiên đường” đã trở thành mồ chôn của nhiều đại gia bất động sản.
Hiện nay, căn hộ ở Nam An Khánh được bán với giá từ 15-35 triệu/m2 tùy từng vị trí và diện tích. Những căn có diện tích từ 300- 500m2 giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khu đô thị Xuân Phương (Từ Liêm) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dự án này do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư với tổng diện tích 14,6ha, đơn vị thi công là Công ty Đô Thị Hạ Tầng.
Rác ngâp trong một căn hộ ở khu đô thị Xuân Phương (ảnh Trí Lâm)
Chốt bảo vệ ngay cổng khu đô thị Xuân Phương (Từ Liêm) vỡ đã lâu nhưng không được tu sửa (Ảnh: Trí Lâm)
Dự án gồm 61 căn biệt thự song lập và đơn lập được thiết kế chạy vòng quanh hồ, sân tennis, vườn hoa với các loại diện tích 150m2, 180m2, 200m2, 240m2, 360 m2, 440m2.. và 337 căn nhà liền kề với các loại diện tích : 74m2, 82m2, 85 m2, 95m2, 100m2 110m2...
Giá bán từ 3,9 tỷ đồng/căn và tăng lên tùy theo diện tích và vị trí.
Tại nhiều nơi, vì tiếc những căn biệt thự bỏ hoang, lãng phí, người dân đã tận dụng các căn hộ để bán hàng.
Người dân tận dụng nhà hoang để kinh doanh dịch vụ rửa xe (Ảnh: Trí Lâm)
Đây cũng chính là hình ảnh thực tế ở nhiều khu đô thị hiện nay.
Trong khi rất nhiều người dân đang không có nhà ở, hoặc phải "chui rúc" trong những ngôi nhà 10 - 20 - 30m2, thì lại tồn tại vô số căn biệt thự có diện tích rộng hàng trăm mét vuông, có giá trị hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang giữa Thủ đô vô cùng lãng phí.