Nghịch lí ngành điện: Thủy điện vẫn xây, giá điện vẫn tăng (Kỳ 1)

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Quyết định tăng giá bán điện thêm 5% của Tập đoàn điện lực Việt Nam cùng lúc nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành và đi vào hoạt động đã một lần nữa khiến dư luận đặt ra câu hỏi: thủy điện vẫn xây nhưng giá điện giảm xuống mà vẫn tiếp tục tăng, nghịch lí của ngành điện Việt Nam bao giờ mới có hồi kết?

Tăng giá bán điện: Vẫn “điệp khúc” cũ

Dù ngày 21/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố tăng giá điện thêm 5% nhưng đại diện của EVN vẫn cho biết có khả năng tiếp tục tăng giá với mức cao hơn trong năm 2013.

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN lý giải: có khả năng giá điện trong năm 2013 tăng cao hơn mức tăng của năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra vì liên quan đến gánh nặng lỗ 26 000 tỉ đồng chênh lệch tỷ giá chưa được giải quyết nhiều. Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ, khoản nợ này sẽ phải tính toán hết vào giá điện từ nay đến năm 2015.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Thủy điện vẫn xây nhưng giá điện giảm xuống mà vẫn tiếp tục tăng, nghịch lí này của ngành điện Việt Nam bao giờ mới có hồi kết?
Dư luận đặt ra câu hỏi: Thủy điện vẫn xây nhưng giá điện giảm xuống mà vẫn tiếp tục tăng, nghịch lí này của ngành điện Việt Nam bao giờ mới có hồi kết?

Đặc biệt, ông Tri cho rằng năm 2013 ẩn số lớn nhất là vấn đề thiếu nước thủy điện, khiến nguồn điện có thể thiếu hụt vài tỉ KWh và EVN sẽ phải chạy bù điện dầu với chi phí phát sinh thêm khoảng 6.000 - 7.000 tỉ đồng nữa. Nếu điều này xảy ra, áp lực “cõng” lỗ trong giá điện của năm 2013 sẽ lớn hơn nhiều con số 10.000 tỉ đồng và chắc chắn mỗi lần tăng giá điện sẽ không dừng lại ở mức 5% như gần đây…

Những lý lẽ trên mà đại diện EVN đưa ra như một “cái cớ” để tăng giá không phải là lần đầu. Trước đó, mỗi khi chuẩn bị trình Chính phủ việc tăng giá bán điện, “điệp khúc quen thuộc” của EVN vẫn là kêu khó khăn và thua lỗ, khi thì bù chi phí do thủy điện thiếu nước, khi thì do lỗ trong hạch toán kinh doanh… Và mặc cho doanh nghiệp lẫn người dân “kêu trời”, giá điện vẫn được điều chỉnh tăng lên.

Tuy nhiên, việc tăng giá bán điện ra thị trường lần này của EVN lại khiến dư luận chú ý bởi bản chất nghịch lí của ngành điện Việt Nam đang tồn tại lâu nay bộc lộ một cách rõ nhất: Quyết định tăng giá bán điện thêm 5% của Tập đoàn điện lực Việt Nam diễn ra gần như cùng lúc nhà máy thủy điện Sơn La – nhà máy thủy điện có quy mô và công suất lớn nhất Đông Nam Á khánh thành và đi vào hoạt động.

Thủy điện vẫn xây mới nhưng giá điện không giảm xuống mà vẫn tiếp tục tăng, nghịch lí này của ngành điện Việt Nam bao giờ mới có hồi kết?

Mỗi năm giá điện bình quân tăng hơn 11%

Trong vòng 5 năm, đường biểu đồ giá bán điện thị trường trong nước chưa bao giờ có dấu hiệu chững lại hay giảm xuống mà chỉ duy nhất một chiều mũi tên đi lên. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (2007 – 2012), giá điện bình quân bán ra trên thị trường đã tăng 58,6% (bình quân mỗi năm giá điện tăng thêm 11,72%).

Cụ thể: Tính từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg (phê duyệt lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2007-2010) và theo đó, từ ngày 1/1/2007, giá bán lẻ điện bình quân là 842đồng/KWh cho đến Thông tư số 38/2012/TT-BCT  của Bộ Công thương ra ngày 20/12/2012 (quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện) quy định giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng từ 22/12/2012), giá bán điện bình quân chênh lệch nhau gần một nửa (595đồng/KWh).

Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi lễ khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La (23/12/2012).
Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi lễ khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La (23/12/2012).

Cũng trong 5 năm kể từ khi thực hiện lộ trình thị trường hóa giá điện đến nay, Việt Nam đã có 7 lần điều chỉnh về giá và chỉ có duy nhất một chiều tăng. Lần đầu tiên là ngày 1/1/2007, giá điện bình quân tăng lên 842 đồng/KWh (cao hơn 7,6% so với giá điện bình quân năm 2006).

Liên tiếp các năm sau, mỗi năm giá điện đều “đến hẹn lại lên”, tăng từ khoảng 5% đến 10%. Kỷ lục nhất là đợt tăng vào ngày 1/3/2011, giá điện bỗng vọt lên 15,28%, ở mức 1.242 đồng/kWh. Và chưa dừng lại ở đó, sau khi đã tăng hơn 15% vào tháng 3/2011, giá điện tiếp tục tăng lần thứ hai trong năm vào ngày 20/12/2011, lên 1.304 đồng/KWh.

Năm 2012, Bộ Công thương tiếp tục ký ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BCT (quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện) và theo đó, kể từ ngày 1/7/2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đ/KWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đ/KWh).

Và tính đến lần tăng giá điện thêm 5% kể từ ngày 22/12/2012 là lần tăng giá thứ hai trong năm 2012 và cũng là lần tăng giá thứ 7 trong vòng 5 năm qua.

Khi nhà máy thủy điện Sơn La – nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á được khánh thành nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Liệu sau khi công trình này hòa lưới điện quốc gia, giá điện đang cao ngất ngưởng hiện nay có được cải thiện ít nhiều cho phù hợp hay lại vẫn tăng lên “theo đúng lộ trình”?

Người dân không quan tâm đến các kỷ lục, cái mà người dân quan tâm nhất lúc này là việc hoàn thành công trình thủy điện Sơn La sẽ đem lại những lợi ích thiết thực gì cho người dân, mà cụ thể là trong thời gian tới, giá điện có được cải thiện hay không.

Mật độ thủy điện dày đặc nhưng giá bán điện vẫn cao

Hiện nay Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có mật độ thủy điện trên các sông ngòi cao nhất. Theo khảo sát, chỉ tính riêng sông Vu Gia - Thu Bồn có tới 10 bậc thang thủy điện lớn nhỏ; sông Kôn, A Vương có 7 bậc thang thủy điện. Lưu vực sông Đồng Nai có khoảng 20 dự án thủy điện lớn và vừa, chưa tính các thủy điện nhỏ, siêu nhỏ do các địa phương tự duyệt quy hoạch như sông Đồng Nai có 9 thủy điện, sông La Ngà có 5 thủy điện và sông Bé có 6 thủy điện. Sông Ba cũng bị chia cắt bởi 7 công trình thủy điện cỡ vừa...

Tuy nhiên dù các nhà máy thủy điện dày đặc với đủ các loại quy mô, công suất như vậy nhưng giá bán điện ở thị trường trong nước không hề giảm và vẫn tăng lên qua các năm. Trong khi đó, dù độc quyền về thị trường điện nhưng phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn luôn kêu kinh doanh bị thua lỗ (?!)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại