Trong khi các loại thuế phí đánh vào ô tô chưa có dấu hiệu giảm, sức mua trong nước vẫn tăng vọt.
Năm 2012, chỉ có hơn 92 nghìn chiếc ô tô được bán ra nhưng tới năm 2015, con số này đã là 245 nghìn chiếc.
Lượng ô tô bán ra tăng 2,6 lần chỉ trong vòng 3 năm khiến các hãng xe đang coi Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực.
Thậm chí, Mercedes-Benz mới đẩy mạnh tại Việt Nam đã ghi nhận thành công lớn khi tăng trưởng tới 55% trong năm 2015.
Hãng xe này cho biết, Việt Nam là một trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới của Mercedes.
Trường Hải, với thế mạnh lắp ráp của mình liên tục cho ra đời những dòng xe có giá thành rất cạnh tranh với đối thủ như KIA hay Mazda, cũng tăng thị phần nhanh không kém.
Năm 2015, doanh nghiệp này đã vươn lên dẫn đầu thị trường khi bán được tổng cộng 80.000 xe, tăng trưởng gần 90%.
Tuy nhiên, “ông vua” của thị trường – Toyota Việt Nam, lại tỏ ra hụt hơi hơn so với các đối thủ. Nếu 4 – 5 năm trở về trước, thị trường ô tô là cuộc chơi “độc tôn” của Toyota thì câu chuyện nay đã khác.
Công bằng mà nói, Toyota vẫn đang có vị thế khá vững chắc tại Việt Nam với tên tuổi và thương hiệu “xe bền”.
Số lượng xe Toyota bán ra cũng ngày một tăng chứ không giảm. Năm 2012, Toyota bán ra được 25.000 xe, đến năm 2015 là 51.000 xe, tăng trưởng gấp đôi trong 4 năm.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thị trường Việt Nam lại mở rộng ra tới 2,6 lần trong cùng quãng thời gian trên. Nó cho thấy tốc độ tăng trưởng của Toyota đang “đuối sức” hơn hẳn các thương hiệu khác
Việc giảm tốc của Toyota Việt Nam là khá đáng ngại vì có thể thấy, số lượng xe của Toyota bán ra chưa phải là nhiều đến mức “khó tăng trưởng nhanh hơn nữa”.
Kết quả là Trường Hải năm nay đã vọt hẳn lên, vượt xa Toyota dù năm 2014 mới chỉ ngang ngửa.
Vị thế của Toyota Việt Nam còn chịu sức ép khá lớn khi đứng trên là dòng xe giá rất cạnh tranh của Nhật và Hàn Quốc của Trường Hải, còn ở ngay dưới là một Ford của Mỹ.
Với 21 nghìn xe bán ra trong năm 2015, Ford đang cho thấy sự tiến bộ vượt bậc.
Kết quả là thị phần của Toyota đã giảm khá mạnh trong vài năm trở lại đây. Từ năm 2013 đến nay, thị phần của hãng đã giảm gần 10%.
Và cuộc chiến sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Năm 2016, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA ), đồng thời cũng là “sếp” của Toyota Việt Nam dự báo, sẽ có 260.000 xe được bán ra, tăng trưởng 10%.
Nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế, cả trong thị trường ô tô lẫn ảnh hưởng trong chính sách ngành ô tô trong nước, Toyota có lẽ không nên lùi thêm nữa trong cuộc chiến năm nay.