Ngân hàng SHB lên tiếng về cuốn lịch “chế” truyền thuyết hồ Gươm

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Đại diện SHB nói: “Hiện chúng tôi đang tiến hành kiểm tra lại tất cả đầu mối làm việc bao gồm nhà xuất bản, công ty phát hành,… để kiểm tra lại nguyên nhân của việc này

Hai ngày gần đây, hình ảnh chụp tờ lịch ngày Tết dương lịch (1/2014) của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được cộng đồng mạng chia sẻ trên nhiều fanpage, diễn đàn. Điều đáng nói là cuốn lịch này in sai thông tin về truyền thuyến hồ Hoàn Kiếm khiến nhiều người bức xúc.

Cuốn lịch này có thật không, nếu thật thì đố ai dám gửi tiền vào Ngân hàng này, khi những thứ cơ bản nhất, dễ nhất còn sai một cách nghiêm trọng thế này thì sao mà phân biệt được các dòng tiền trong ngân hàng?” – một độc giả gay gắt.

Theo quan sát của phóng viên, phía dưới có logo và tên ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Nội dung trên tờ lịch ghi rõ: “Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài , bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.

Tờ lịch này của SHB đã lược bỏ quá nhiều thông tin quan trọng khiến người đọc hiểu sai về truyền thuyết theo kiểu “vua đã rút gươm đuổi rùa trên hồ Hoàn Kiếm”.

Cuốn lịch
Cuốn lịch "chế" truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm của ngân hàng SHB.

Được biết, những thông tin in trên tờ lịch của SHB là từng xuất hiện trên Wikipedia tiếng Việt, hiện nay đã được sửa lại. Các nội dung tương tự cũng được khá nhiều trang du lịch trong nước lấy làm trích dẫn về sự tích hồ Gươm.

Sự sai sót này của SHB khiến nhiều người tỏ ra thất vọng về “kiến thức lịch sử” cũng như sự thiếu chuyên nghiệp của ngân hàng này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà, Phó phòng phát triển thương hiệu của SHB cho biết: Thông qua báo chí, thông qua các diễn đàn trên mạng, ngân hàng SHB cũng đã biết tới chuyện này. “Hiện chúng tôi đang tiến hành kiểm tra lại tất cả đầu mối làm việc bao gồm nhà xuất bản, công ty phát hành,… để kiểm tra lại nguyên nhân của việc này như thế nào” – bà Hà nhấn mạnh.

Đồng thời, người đại diện của ngân hàng này cũng xác nhận: Tờ lịch “chế” truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm trên đúng là lịch của SHB và việc “in nhầm” đó là có thật.

Trong khi chờ đợi câu trả lời cuối cùng về người mắc lỗi trong trường hợp này, một số người vẫn tỏ ra không hài lòng với cách làm việc của một ngân hàng lớn như SHB. Anh Nguyễn Long, một cán bộ đang làm việc tại công ty truyền thông ở Hà Nội nhận xét: “Đây là một sai lầm khó có thể chấp nhận được”.

Anh Long lý giải: Ngân hàng chắc không phải là người làm ra cuốn lịch, nhưng họ thuê đối tác làm, đã in thương hiệu của mình vào thì đã là sản phẩm của mình, chắc chắn phải chịu trách nhiệm.

Theo trích dẫn Wikipedia tiếng Việt, sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi có chép đầy đủ về truyền thuyến như sau:

Khi ấy Nhà vua cùng người ở trại Mục sơn là Lê Thận cùng làm bạn keo sơn. Thận thường làm nghề quăng chài. Ở xứ vực Ma viện, đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Quăng chài suốt đêm, cá chẳng được gì cả. Chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, đem về để vào chỗ tối. Một hôm Thận cúng giỗ (ngày chết của cha mẹ), nhà vua tới chơi nhà. Thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, nhà vua bèn hỏi:

- Sắt nào đây?

Thận nói:

- Đêm trước quăng chài bắt được.

Nhà vua nhân xin lấy. Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ "Thuận Thiên", cùng chữ "Lợi". Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài-dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng:

- Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau!

Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh. Tới hôm sau, hoàng hậu ra trông vườn cải, bỗng thấy bốn vết chân của người lớn, rất rộng, rất to. Hoàng hậu cả kinh, vào gọi nhà vua ra vườn, được quả ấn báu, lại có chữ Thuận Thiên (sau lấy chữ này làm niên hiệu) cùng chữ Lợi. Nhà vua thầm biết ấy là của trời cho, lòng lấy làm mừng, giấu giếm không nói ra. Truyền thuyết kể tiếp rằng, sau Lê Lợi dùng thanh gươm báu đó làm gươm chiến đấu, xông pha chém địch nhiều trận, cuối cùng đuổi được quân Minh, lên làm vua Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Tả Vọng. Ra giữa hồ, có Rùa vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to:

- Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương!

Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Từ đó hồ Tả Vọng được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại