Nam Cường trả lại Hà Nội cùng lúc 2 dự án khủng

Ngày 6/9, Tập đoàn Nam Cường đã có đề nghị với UBND TP. Hà Nội xin trả lại dự án KĐT Quốc Oai.

Nhiều chủ đầu tư, người dân từng vất vả cạnh tranh, đi xin xác nhận giấy tờ để có cơ hội được sở hữu những công trình BĐS nhưng trong thời gian gần đây nhiều dự án BĐS ở Hà Nội đang bị xin "trả" hàng loạt vì...thiếu tiền.

Ngày 6/9, Tập đoàn Nam Cường đã có đề nghị với UBND TP. Hà Nội xin trả lại dự án KĐT Quốc Oai với lý do: Không phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Ông Trần Oanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Cường Hà Nội cho biết, KĐT Quốc Oai được Tập đoàn Nam Cường nhận làm chủ đầu tư nhưng sau khi xem xét thấy rằng KĐT này thuộc quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô trong tương lai nên không phù hợp để phát triển đô thị.

Cũng theo ông Oanh, việc giao lại dự án Khu đô thị Quốc Oai không ảnh hưởng đến tài chính nhà đầu tư bởi kinh phí chuẩn bị đầu tư Thành phố sẽ xem xét để thanh toán cho nhà đầu tư, bên cạnh đó, dự án Quốc Oai chưa đền bù giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng.

Bản quy hoạch KĐT Quốc Oai - Hà Nội.

Liên quan đến 4 khu đại dự án này, trước đó, Tập đoàn Nam Cường cũng đã chủ động xin trả lại dự án KĐT Thạch Thất cho UBND TP. Hà Nội .

Trao đổi với báo chí, ông Trần Oanh khẳng định: "Dự án Khu đô thị Thạch Thất cho TP. Hà Nội do Dự án không còn phù hợp với quy hoạch mới của Thủ đô, chứ không phải do Tập đoàn không có tiềm lực tài chính để triển khai.

Được biết, KĐT Quốc Oai, Thạch Thất là 2 trong 4 dự án đô thị của Tập đoàn Nam Cường trước đây (nay là Tập đoàn Nam Cường Hà Nội) dọc trục kinh tế - xã hội Bắc - Nam. Năm 2008, Tập đoàn đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao làm chủ đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) tuyến đường trục kinh tế xã hội Bắc - Nam dài 63 km, mặt cắt ngang 42 m, với kinh phí dự toán gần 7.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai Dự án KĐT Thạch Thất và các dự án đô thị dọc theo tuyến đường Bắc - Nam hầu như không có tiến triển, sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội và hàng loạt dự án nằm trên địa bàn Hà Tây (cũ) phải dừng triển khai để xem xét có phù hợp với quy hoạch tổng thể về xây dựng Hà Nội sau khi mở rộng hay không.

Lý do mà ông Trần Oanh đưa ra khi xin trả lại 2 dự án KĐT này mâu thuẫn với quyết định Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 26/7/201.

Cụ thể, theo quyết định này, Dự án Đường trục kinh tế - xã hội Bắc - Nam sẽ là tuyến đường giao thông kết nối các khu đô thị sinh thái dọc tuyến là Phúc Thọ, Quốc Oai và thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), tức là trùng khớp với Dự án Đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam và các khu đô thị hoàn vốn đã được phê duyệt, nhưng có sự điều chỉnh về quy mô và chỉ tiêu quy hoạch.

KĐT Thạch Thất - Hà Nội cũng bị Tập đoàn Nam Cường trả lại.
KĐT Thạch Thất - Hà Nội cũng bị Tập đoàn Nam Cường trả lại.

Trả lại dự án đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình

Cuối tháng 8/2013, sau 3 năm  khởi công xây dựng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) xin trả lại Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, UBND Thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình, Geleximco xin được bàn giao lại dự án cho các địa phương đầu tư hoặc Bộ Giao thông Vận tải, hoặc cho phép chuyển hình thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức PPP, trong đó đơn vị này xin làm nhà đầu tư thứ nhất.

Lý lẽ của Gleximco là do quỹ đất đối ứng cho dự án của cả tỉnh Hòa Bình và Hà Nội không đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường.

Tính toán của nhà đầu tư cho thấy, hiện tổng mức đầu tư dự án dài khoảng 33km vào khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua Thành phố Hà Nội cần 11.021 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên Geleximco sẽ “rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết".

Theo nguồn tin từ tỉnh Hòa Bình, đến hết tháng 1/2012, tổng số tiền Gleximco đã giải ngân cho dự án trên địa bàn Hòa Bình là 187,92 tỷ đồng, trong đó chi phí tư vấn 22,23 tỷ đồng; tạm ứng và thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành 26,9 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 131,19 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 3,28 tỷ; chi khác 4,32 tỷ đồng.

Nhưng từ tháng 1/2012 đến nay, nhà đầu tư “chưa chuyển thêm kinh phí cho các hội đồng giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Không chỉ thiếu vốn và giải phóng mặt bằng chậm, dự án đối mặt với một thực tế “nhạy cảm” là tiến độ xây dựng các khu nghĩa địa mới chậm, do đó “đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm của các hộ dân nơi có dự án đi qua”.

Dân cũng xin trả lại Dự án nhà ở thu nhập thấp vì thiếu tiền.
 

Dân trả dự án nhà thu nhập thấp

Không chỉ có chủ đầu tư mà ngay cả người dân cũng đang muốn trả lại dự án nhà thu nhập thấp. Tình trạng này đang xảy ra tại Dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) của Vinaconex Xuân Mai.

Trao đổi với báo chí vào chiều ngày 3/9, ông Nguyễn Văn Đa, Phó tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai, cho biết, đến thời điểm này, đã có 5 trường hợp xin trả nhà đã được chủ đầu tư chấp thuận. Trong khi vẫn còn khoảng gần 120 người mua chưa chịu nộp tiền và nhận bàn giao nhà.

Để thúc giục khách mua nhà đến nhận, từ nhiều tháng nay, các cán bộ của Vinaconex Xuân Mai đã nhiều lần đến tận nhà từng khách hàng để thuyết phục, song người mua vẫn không mấy mặn mà.

Cũng theo ông Đa, do nhiều khách hàng hiện rất khó khăn, nên Vinaconex Xuân Mai đã đứng ra bảo lãnh cho người mua nhà tại Dự án Kiến Hưng vay vốn từ BIDV với lãi suất 10%/năm để thanh toán và nhận bàn giao nhà.

Ngoài ra, nhiều khách hàng được tạo điều kiện chuyển đến ở trước, dù chưa nộp xong tiền mua nhà. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp rất thiện chí, nhưng không ít khách hàng vẫn chưa muốn nhận bàn giao nhà, thậm chí tiếp tục muốn… trả.

Lý giải về tình trạng này, ông Đa cho biết, nguyên nhân chính được khách hàng giải thích là do quá khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, vị này cho rằng, đằng sau lý do khó khăn tài chính, việc thị trường bất động sản liên tục giảm giá cũng là một nguyên nhân khiến nhiều khách hàng mua nhà tại dự án này tính toán thiệt hơn và muốn rút vốn để mua đất nền, hoặc căn hộ tại các dự án nhà thương mại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại