Muốn phát triển nhà ở xã hội, Việt Nam nên học Brazil

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Ở Brazil, nhà nước hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đến 90% giá trị căn nhà và việc cấp phép xây dựng nhà ở xã hội chỉ diễn ra trong vòng 15 ngày.

Tại hội thảo về nhà ở xã hội ở VIệt Nam - bài học từ kinh nghiệm quốc tế diễn ra sáng ngày 12/3 tại Hà Nội, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh: Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã khẳng định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan đề xuất với Chính phủ ban hành nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực nhằm giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp và người nghèo tại khu vực đô thị.

“Về lĩnh vực tài chính nhà ở, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với các hộ gia đình, cá nhân mua, thuê, thuế mua nhà ở xã hội và nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nghèo cả về số lượng, chất lượng và giá cả.

Tại Brazil, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đồng thời khuyến khích họ đưa con đến trường, dạy nghề và tạo chỗ làm cho người dân. (Ảnh minh hoạ)
Tại Brazil, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đồng thời khuyến khích họ đưa con đến trường, dạy nghề và tạo chỗ làm cho người dân. (Ảnh minh hoạ)

Tham luận tại Hội thảo, ông Sameh Naguib Wahba – Giám đốc Ban Phát triển đô thị - Ngân hàng Thế giới đã dẫn chứng những bài học thành công cũng như thất bại tại nhiều quốc gia trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Sameh, nhà ở xã hội được cấu thành bởi những yếu tố gồm: quy định phát triển, đất đai, tài chính phát triển, dịch vụ hạ tầng, công nghiệp xây dựng, tài chính cho người sử dụng cuối cùng… Bất kỳ mắt xích trong chuỗi yếu tố này yếu kém đều dẫn đến yếu kém trong việc phát triển nhà ở. Kinh nghiệm ở các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội là Nhà nước đưa ra được các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng; cung cấp được cho khoảng 50% cho những người có thu nhập thấp nhất các khoản tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở và quan trọng nhất là tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Ví dụ tại Brazil với số dân 191 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa cao đã dấn đến việc thiếu hụt khoảng 7 triệu căn nhà - tương đương 15 – 20% tổng số lượng nhà ở tại nước này. Ngoài ra, Brazil còn có một lượng lớn nhà ở xuống cấp, là gánh nặng cho 2/3 dân số nước này.

Để giải quyết vấn đề này, Brazil đã đưa vào chương trình phát triển nhà ở xã hội các tập hợp các chính sách giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và giải quyết thiếu hụt nhà ở. Brazil hỗ trợ nhà ở cho người nghèo khi đồng thời khuyến khích họ đưa con đến trường, dạy nghề và tạo chỗ làm cho người dân. Một khi có việc làm và thu nhập ổn định, Nhà nước sẽ hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đến 90% giá trị căn nhà.

Ở Brazil, việc cấp phép xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 15 ngày. Các công ty xây dựng nhà ở xã hội hầu như không phải chịu rủi ro chính sách mà chỉ phải tính toán việc xây dựng các căn nhà phù hợp với điều kiện sống và thu nhập của người có thu nhập thấp. Chính phủ nước này cũng kết hợp chương trình phát triển nhà ở xã hội với các chương trình cải tạo đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nhà ở cho người dân ở những vùng đất dốc...

Tuy nhiên, Brazil cũng phải đổi mặt với những thất bại trong việc phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực xa trung tâm. Cái giá phải trả là người dân lại phải bỏ ra từ 20 – 30% thu nhập để di chuyển đến nơi làm việc.

Giải pháp mà Chính phủ Brazil đưa ra hiện nay là thay vì căn nhà ở một dự án cụ thể, Chính phủ hỗ trợ tài chính để người dân tìm kiếm căn nhà phù hợp. Thay vì một căn nhà được chỉ định, người dân sẽ tự lựa chọn chỗ ở sao cho phù hợp với nơi làm việc cũng như khả năng gia tăng thu nhập. Khi đó, các ngân hàng thương mại cũng được hưởng lợi với việc người dân có động lực hơn trong việc vay tiền mua nhà.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại