Nảy sinh nhiều rắc rối
Nhìn vào các dự án ở Mê Linh cho thấy, sự phát triển của các đô thị tại Mê Linh chỉ mang tính hình thức, không có các đô thị phát triển thật. Chủ đầu tư chỉ vào xí phần đất để huy động vốn, còn nhà đầu tư chỉ nhăm nhe lướt sóng. Trên thực tế, phần lớn các dự án mặc dù chưa giải phóng mặt bằng đã tiến hành huy động vốn.
Giai đoạn đỉnh điểm sốt nóng đất Mê Linh kết thúc khi thị trường bất động sản bắt đầu trầm lắng, nhiều dự án đã rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Các chủ đầu tư đều trong tình trạng gặp khó khăn về tài chính.
Mối lo lắng lớn nhất của các nhà đầu tư hiện nay không phải là số tiền đã bốc hơi mà là rủi ro khi dự án bị tạm dừng hay chủ đầu tư không còn năng lực triển khai tiếp và quyền lợi của người mua sẽ ra sao? Theo các chuyên gia bất động sản, sắp tới nếu điều chỉnh nhiều dự án, sẽ có thể xảy ra nhiều trường hợp nhà đầu tư gặp rủi ro.
Anh Nguyễn Minh Hùng, một nhà đầu tư đang nóng ruột về số phận lô đất biệt thự của mình tại một dự án. Nếu theo quy hoạch mới điều chỉnh, lô biệt thự gần 500 m2 của anh không biết ở vị trí nào. Trong khi đó, phía chủ đầu tư cũng chưa có câu trả lời chính xác do đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt.
Cách đây không lâu, người mua nhà tại một số dự án ở Mê Linh cũng đứng ngồi không yên trước việc chủ đầu tư dự án không có động tĩnh gì. Họ đành kéo nhau lên Mê Linh để gặp chủ đầu tư đòi quyền lợi. Mặc dù vậy, câu trả lời họ nhận được là chưa thỏa đáng.
Chờ đợi quy hoạch
Năm 2008, huyện Mê Linh chính thức sáp nhập về thủ đô Hà Nội với quy hoạch mới trở thành đô thị trung tâm Hà Nội. Theo UBND huyện Mê Linh, trên địa bàn huyện có 40 dự án đô thị với tổng diện tích 2.000 ha, trong đó có trên 30 dự án đang triển khai dang dở, phần lớn mới trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án bất động sản ở Mê Linh chậm triển khai do ảnh hưởng bởi quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Sau thời gian dài, các dự án phải tạm dừng để rà soát lại quy hoạch và khớp nối với quy hoạch chung Thủ đô.
Mới đây, cơ quan chức năng đã bàn giao hồ sơ quy hoạch phân khu đô thị huyện Mê Linh và huyện Đông Anh. Theo UBND huyện Mê Linh, sau khi có quy hoạch phân khu, gần như 100% các dự án đô thị trên địa bàn sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 theo quy hoạch phân khu mới.
Trả lời báo chí, ông Hà Huy Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, nếu chiếu theo quy hoạch phân khu đô thị N1, N2, N3 thì nhiều dự án sẽ bị điều chỉnh tăng diện tích mặt nước, cây xanh, diện tích dành cho nhà cao tầng, đặc biệt là cho các dự án nhà ở xã hội. Vì thế, sẽ có nhiều xáo trộn so với quy hoạch trước đây.
Để đôn đốc các dự án ở đây, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức kiểm tra toàn bộ các dự án sau giải phóng mặt bằng đang để hoang hóa tại Mê Linh, tổng hợp và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoặc đề xuất xử lý theo quy định việc chậm triển khai thực hiện.
Lãnh đạo huyện Mê Linh thừa nhận, tình hình triển khai dự án phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tài chính và mối quan tâm của chủ đầu tư. Hiện một số chủ đầu tư cũng muốn triển khai dự án sớm. Họ đã phối hợp với UBND huyện trong quá trình làm quy hoạch phân khu để giải quyết các vướng mắc đang tồn đọng. Thậm chí, nhiều dự án chưa có quy hoạch phân khu nhưng chủ đầu tư vẫn xin phép triển khai các phần việc liên quan. Tuy nhiên, vẫn có dự án nằm im bất động.
Liên quan tới những rắc rối phát sinh với người mua nhà, lãnh đạo huyện cho rằng, phần lớn dự án đô thị tại Mê Linh là phân lô, liền kề, biệt thự. Khi điều chỉnh quy hoạch, UBND huyện đã đưa ra quan điểm rằng, các chủ đầu tư phải giữ lại số lượng, tỷ trọng đất nếu không giữ được các chủ đầu tư sẽ tự thỏa thuận với người mua nhà để tính toán lại việc đó.
Trước thực trạng nhiều dự án ở Mê Linh chậm tiến độ, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, kiến nghị TP không nên tạo ra điểm dừng khi xem xét các dự án, đồng thời tránh triển khai đồng loạt các quy hoạch phân khu. Hà Nội nên triển khai các khu vực, tập trung các dự án đang phân khu, điều chỉnh dự án hiện có; song song đó cần xem xét đẩy nhanh các dự án, đổi mới quy trình quy hoạch, đổi mới cơ chế để bảo bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư.