Đó là ý kiến của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2015.
Nhỏ bé, thua lỗ và ảm đạm
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết chỉ trong vài năm gần đây, các trung tâm mua sắm ở Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều cả về quy mô lẫn số lượng.
Tuy nhiên nếu chiếu theo quy chuẩn quốc tế thì trung tâm mua sắm ở Việt Nam đại đa số ở dạng vừa và nhỏ, thậm chí khá nhỏ, chỉ khoảng 12.000- 13.000m2.
Đáng nói là thực tế hoạt động kinh doanh của hầu hết các Trung tâm thương mại (TTTM), trung tâm mua sắm Việt Nam không hiệu quả, phần lớn vẫn phải chịu cảnh thua lỗ, gian hàng ảm đạm, khách đến xem hàng là chủ yếu chứ không có nhu cầu mua sắm.
Trong khi đó, theo tiêu chuẩn quốc tế, thông thường một trung tâm mua sắm trung bình phải có khoảng trên 200.000m2 diện tích bán hàng, bao gồm khu vực mua sắm, phòng chiếu phim, hành lang khu giải trí phức hợp…
“Nhiều trung tâm lớn, vốn đầu tư cao, có vị trí đắc địa đã có lúc phải tạm ngừng hoạt động hay thậm chí là đóng cửa như Tràng Tiền Plaza, Hàng Da Galleria, Grand plaza…
Nhiều người còn e ngại trung tâm mua sắm ở Việt Nam đang ở cảnh chợ chiều”, bà Loan nói.
Tuy nhiên bà Loan cho rằng ở nước ngoài cũng có tình trạng này, thậm chí người ta còn ví những trung tâm mua sắm là “những xác chết biết đi” vì quá ảm đạm, tiêu điều.
Theo bà Loan, lý do khiến các TTTM ở Việt Nam chưa thành công là do tâm lý người Việt vẫn thích những loại hình bán lẻ theo kiểu chợ truyền thống nên việc kinh doanh mặt hàng cao cấp, xa xỉ ở các TTTM thực tế chỉ dành cho một phân khúc người tiêu dùng nhỏ và khá phân tán khi phân khúc này họ thường mua hàng ở nước ngoài, hàng xách tay, mua sắm trực tuyến online….
Thứ hai, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, làm sức mua giảm sút, tâm lý thắt chặt hầu bao vẫn duy trì.
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ phong phú hơn nhưng giá thuê vẫn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ không thể tiếp cận.
Lý do nữa là thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến phát triển nhanh, cạnh tranh trực tiếp với trung tâm mua sắm và các định dạng bán lẻ khác.
Trong khi đó bản thân các trung tâm mua sắm chưa có chiến lược marketing thu hút khách hàng, hỗ trợ khách hàng và quảng bá hình ảnh.
Những khó khăn và thất bại của trung tâm mua sắm trên thế giới cũng như Việt Nam dẫn đến một câu hỏi lớn “liệu trung tâm mua sắm đã hết thời?”.
Trung tâm mua sắm phải chuyển mình
Hiệp hội bán lẻ đặc biệt nhấn mạnh các trung tâm mua sắm cần chuyển mình để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Bà Loan cho biết, đến năm 2013 cả nước đã có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại.
Trong khi quy hoạch đến năm 2020, cả nước có khoảng 1200 – 1300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại; 157 trung tâm mua sắm.
“Nhiều ý kiến e ngại trung tâm mua sắm ở Việt Nam đang ở cảnh chợ chiều, ở nước ngoài nói đây là những xác chết biết đi khi quá vắng vẻ và tiêu điều, không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Nhưng chúng tôi tin tưởng những trung tâm mua sắm này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới”, bà Loan nói.
Ông Richard Leech, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, hiện nay giá thuê trung bình tại tầng trệt của các trung tâm khoảng 80 USD/m2/tháng.
Đặc biệt ở Hà Nội những khu vực ngoài trung tâm thành phố, giá thuê mặt bằng chỉ 30 USD/m2.
Đặc biệt là có rất nhiều TTTM mới ở Hà Nội và TP.HCM sắp khai trương, nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ tăng lên đột biến và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ trống và giá mặt bằng cho thuê.
Ông Richard Leech cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà bán lẻ “Việc gia tăng thị trường bán lẻ là thời điểm tốt để các nhà bán lẻ đặt chân vào vì dễ thuê, giá giảm.
Tôi nghĩ giá thuê cũng khó có thể giảm hơn được nữa”.
Bà Châu Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn nhà bán lẻ - Nielsen Việt Nam thì cho rằng cơ hội và thách thức cho các nhà bán lẻ chính là sự tiện lợi.
“Đã qua rồi thời đại cá lớn nuốt cá bé, đây là lúc con cá nào nhanh hơn sẽ nuốt trọn những con cá chậm chạp, tốc độ là sự quyết định sự chiến thắng”, bà Hạnh khẳng định.
Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng tiến trình hội nhập nhanh sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư, phúc lợi xã hội tăng…nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh.
“Khi tham gia vào khu vực mậu dịch tự do sẽ tác động đến thị trường bán lẻ, tiêu dùng của Việt Nam.
Thị trường bán lẻ chuẩn bị đương đầu với những thời cơ, thách thức và đương nhiên thách thức sẽ rất gay gắt. Tuy nhiên nơi nào có dịch vụ tốt nhất thì nơi đó sẽ chiến thắng”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết thị trường phân phối nói chung và bán lẻ nói riêng ở Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng.
Việt Nam đang nằm Top 5 thị trường bán lẻ phát triển của khu vực.
Mặc dù bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% nhưng ông Dương Duy Hưng, cho rằng với một thị trường dân số trên 90 triệu dân, trong đó 30% dân số có độ tuổi dưới 30 tuổi và cũng có khoảng 30% dân số ở thành thị có nhu cầu mua sắm cao cho nên hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng nhanh và đóng góp quan trọng trong phát triển thị trường nội địa trong những năm tới.