Hàn Quốc xưa nay là một quốc gia mạnh về xuất khẩu, vì thế sự loạng choạng gần đây của nước này thật đáng báo động: trong 14 tháng liên tiếp, giá trị xuất khẩu đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 1.2016, xuất khẩu đã giảm sâu tới 18,8% về dưới 37 tỉ USD, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2009.
Các sản phẩm hóa dầu là mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc, vì thế việc giá dầu thế giới thấp phần nào đã giải thích cho những con số này.
Tuy nhiên, động cơ tăng trưởng lâu năm của Hàn Quốc như các nhà máy thép, xưởng đóng tàu, các nhà máy ôtô dường như cũng đang chạy hụt hơi.
Năm ngoái POSCO, một tập đoàn thép được thành lập vào năm 1968, đã báo cáo mức lỗ ròng hằng năm lần đầu tiên.
Tập đoàn này đã bị hạ bệ trong bảng xếp hạng toàn cầu trước các đối thủ Trung Quốc và Nhật, khi từ nhà sản xuất thép lớn thứ 3 rớt xuống hạng 5 trong giai đoạn 2010-2014.
Tháng 3 vừa qua, Daewo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME), một trong những hãng đóng tàu lớn nhất thế giới, đã ghi nhận mức thâm hụt tồi tệ nhất trong lịch sử, khi lỗ hơn 5.000 tỉ won (4 tỉ USD) vào năm 2015.
Doanh số bán đã giảm gần 25%. Tập đoàn này cũng đã sa thải 13.000 nhân công vào năm ngoái. Giờ DSME cho biết sẽ phải sa thải thêm 12.000 lao động nữa.
Hồi tháng 1 năm nay, hãng xe Hyundai Motor đã báo cáo mức giảm lợi nhuận trong quý thứ 8 liên tiếp.
Công ty dự kiến lượng xe bán ra (đã bao gồm cả công ty trực thuộc Kia Motors) sẽ tăng nhẹ 1,5% trong năm nay. Đây là một con số rất khiêm tốn so với mức tăng trưởng tới 24% của năm 2010.
Hyundai Merchant Marine Co., hãng tàu lớn thứ 2 Hàn Quốc về doanh số bán, hồi tháng 1 vừa qua cũng cho biết sẽ bán đi công ty con trong lĩnh vực môi giới và thực hiện các biện pháp khác nhằm thu về dòng tiền trong bối cảnh ngành vận tải biển thế giới đang sa sút.
Hyundai và đối thủ lớn hơn Hanjin Shipping Co. đều đã báo cáo các mức lỗ trong hoạt động kể từ năm 2011 và đang gánh những món nợ khổng lồ, một phần do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang bị tác động bởi sản lượng tăng lên từ phía các nhà sản xuất Trung Quốc và đồng won mạnh lên gần đây so với đồng yen Nhật, vốn đang có lợi cho các đối thủ Nhật.
Xuất khẩu của Hàn Quốc tương đương khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và 25% được xuất sang Trung Quốc.
Ryu Seung-sun, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Mirae Asset Securities, cho rằng vì Hàn Quốc xuất khẩu các phụ tùng cho ngành hàng tiêu dùng như màn hình và chip dùng trong điện thoại thông minh Trung Quốc, nên cũng dễ hiểu khi Hàn Quốc nằm trong số những nước đầu tiên bị tác động bởi đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng như của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, Park Sangin, chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng các yếu tố nội tại mới là “thủ phạm” lớn hơn, bởi sau cùng, nền kinh tế nước này đã trải qua cuộc suy thoái toàn cầu gần đây một cách tương đối dễ dàng.
Nhiều trong số các tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc đi lên từ những ngành sản xuất mà đã thúc đẩy ngành công nghiệp của nước này cất cánh dưới thời của cựu Tổng thống Park Chung-hee cách đây hơn 40 năm.
Và kết quả là ngày nay ngành sản xuất chiếm tới 1/3 GDP của Hàn Quốc. Qua nhiều năm, các tập đoàn đa ngành này, được gọi là chaebol, bành trướng vào nhiều lĩnh vực.
1/10 trong số đó làm ăn không hiệu quả, song vẫn sống vật vờ nhờ cơ chế sở hữu chéo.
Một số tập đoàn công nghiệp đã bắt đầu “xén bớt” các bộ phận kinh doanh không thuộc ngành nghề cốt lõi và làm ăn không hiệu quả. DSME, chẳng hạn, đang bán đi một công ty con điều hành các sân golf.
Tuy nhiên, các tập đoàn khác vẫn tiếp tục con đường đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động nhằm tìm kiếm những động cơ tăng trưởng mới.
Khi mảng điện tử của Samsung mất thị phần vào tay các nhà sản xuất điện thoại thông minh tại Trung Quốc, tập đoàn này đã lấn sang lĩnh vực dược phẩm sinh học.
Samsung BioLogics gần đây đã động thổ nhà máy sản xuất thứ 3 của mình mà khi đi vào hoạt động sẽ đưa nó trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới về thuốc sinh học.
Các tập đoàn khác vẫn đang ăn nên làm ra mặc cho những loạng choạng nói chung gần đây.
7 trong số 10 mã cổ phiếu tốt nhất năm ngoái trong MSCI Asia Pacific Index, một chỉ số được theo dõi bởi các quỹ đầu tư lớn, là các cổ phiếu Hàn Quốc; trong số đó là các công ty ngành dược phẩm, mỹ phẩm và hàng không vũ trụ.
Nhóm cổ phiếu ngành truyền thông cũng sôi động trong thời gian gần đây nhờ sự thành công của CJ E&M, công ty con của CJ Corp, một chabeol khác của Hàn Quốc. Công ty con này đã trở thành một ngôi sao xuất khẩu với bộ phim bom tấn năm 2013 mang tên A Wedding Invitation được sản xuất nhắm đến thị trường Trung Quốc.
Vào tháng 11 năm ngoái, MSCI đã kết nạp CJ E&M vào chỉ số Hàn Quốc khi Công ty hất cẳng Daewoo Shipbuilding và Hyundai Merchant Marine, một hãng tàu đang gặp khó khăn.
Khi các công ty truyền thông hưởng lợi từ sự phổ biến của các vở kịch, phim ảnh, nhạc Hàn trên đất nước Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, ngày càng nhiều công ty bắt tay với các doanh nghiệp Trung Quốc để sản xuất hoặc quảng bá nội dung.
Một điều tốt lành là nền kinh tế Hàn Quốc đã đa dạng hóa vượt ra khỏi các ngành công nghiệp nặng.
Nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và thời trang cũng không tránh khỏi bị tác động bởi các xu hướng trên thế giới.
Tháng 2 vừa qua, hai nhà sản xuất mỹ phẩm lớn nhất của Hàn Quốc là Kolmar Korea và Cosmax đã báo cáo mức lợi nhuận ảm đạm do giờ cả hai đang phụ thuộc nhiều vào thị trường đang tăng trưởng chậm lại Trung Quốc.
Thậm chí một danh mục xuất khẩu đa dạng hơn cũng không đủ để bảo vệ Hàn Quốc khỏi cơn gió rét đang thổi qua châu Á.