Khu nhà ở nói trên tại ô TT9, TT10, khu đô thị mới Xuân Phương, Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội), được khởi công xây dựng từ năm 2011.
Dù là khu nhà ở sang trọng nhưng đến nay vẫn không có rào chắn xung quanh. Một chốt bảo vệ được lập nên cho có, việc đi lại xung quanh dự án này không có ai kiểm soát.
Hàng loạt khu nhà xây thô chưa được hoàn thiện đã mọc rêu, nhếch nhác, xuống cấp.
Con đường dẫn vòng quanh các khu biệt thự vẫn chưa được hoàn thiện, chỉ rải tạm bằng đá dăm bỏ mặc cho cỏ, cây dại mọc um tùm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án nhà phục vụ cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương tại Xuân Phương gồm 227 căn với tổng mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng do Công ty cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Sông Đà 7) làm chủ đầu tư.
Trong số này, chủ đầu tư phải dành 70% quỹ sàn nhà ở để bán cho cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương hiện công tác trong các cơ quan của Quốc hội nhằm cải thiện điều kiện về nhà ở.
Ngoài ra, chủ đầu tư được kinh doanh 30% quỹ nhà còn lại để hoàn vốn.
Nói về tình trạng các biệt thự bỏ hoang, không có người ở, ông Nguyễn Xuân Thu - cục trưởng Cục quản trị Văn phòng Quốc hội - khẳng định: “Không phải là không ở mà vừa rồi bên chủ đầu tư mới bàn giao”.
Theo ông Thu, đây không phải là dự án nhà công vụ, cũng không phải dự án nhà được cấp mà là dự án góp vốn, bán cho cán bộ.
Thừa nhận tình trạng còn vắng người vào ở tại các căn hộ dự án, ông Thu cho rằng lý do là bởi hạ tầng kém.
“Hạ tầng chưa được khớp nối, bên trong một đơn vị làm, bên ngoài lại một đơn vị khác làm, hệ thống đấu nối cấp nước, thoát nước thải ra ngoài chưa có nên hiện chỉ có vài chục người khó khăn về nhà ở tới ở, còn lại chưa ai vào” - ông Thu nói.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết việc các cán bộ mua căn hộ tại dự án rồi bỏ không là do nhà đầu tư không xây dựng đường.
Theo vị này, khi xin Văn phòng Quốc hội làm dự án, Sông Đà 7 xin không làm đường (vì ngại tốn kém) mà chỉ xin làm nhà trong phạm vi 4ha.
“Chuyện này Văn phòng Quốc hội cũng đã họp với UBND TP Hà Nội nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Khi truy trách nhiệm thì Sông Đà 7 nói Công ty cổ phần Tasco (HUT) sẽ làm đường.
Nhưng TP làm việc với Tasco thì công ty này nói hiện nay đất không bán được, chưa có tiền, lúc nào có đủ nguồn lực thì mới làm đường được. Mà không có đường thì dân không vào ở” - vị này thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Sông Đà 7 - khẳng định dự án đã được Sông Đà 7 thỏa thuận đầu tư với Cục Quản trị (Văn phòng Quốc hội) và đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận.
Về tiến độ thực hiện, ông Thắng cho biết dự án đã hoàn thành, sau đó hạ tầng được bàn giao cho các cơ quan chức năng liên quan, các căn hộ cũng được bàn giao cho các chủ sở hữu từ tháng 9-2014.
Hiện nay chỉ còn hai căn hộ đã làm xong nhưng phía Văn phòng Quốc hội chưa có danh sách người nhận.
Cũng theo ông Thắng, hạ tầng nằm ngoài 4,5ha của dự án đã được TP giao cho Tasco thực hiện nhưng đến nay chưa thấy triển khai.
“Chúng tôi chỉ có trách nhiệm xây dựng dự án gồm 227 căn nhà liền kề phần thô và hạ tầng trong khuôn viên 4,5ha.
Còn phía ngoài chúng tôi không có trách nhiệm liên quan và cũng không rõ bao giờ mới hoàn thành. Chúng tôi không liên đới trách nhiệm gì với Tasco cả” - ông Thắng nói.
Bình luận về việc các khu nhà chưa có người ở, ông Thắng cho biết: “Đó là quyền sở hữu của cá nhân, việc người ta ở hay không là quyền của người ta. Tôi cho rằng dự án không phải bỏ hoang”.
Nhộn nhịp rao bán
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi hầu hết chủ nhân các khu nhà trên chưa dọn về ở thì hiện nay, trên các trang mạng mua bán bất động sản, hàng loạt lời rao mời chào mua bán các căn nhà tại dự án này diễn ra nhộn nhịp.
Theo đó, các căn nhà liền kề diện tích từ 90-230m2 tại đây có giá bán khoảng 40-50 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy với trị giá từ 5-7 tỉ đồng/căn, trong khi chỉ xây thô, hạ tầng chưa hoàn thiện, vị trí xa, các căn nhà ở đây khá ế ẩm.