Điều không đề cập
Theo hãng tin Bloomberg, thông điệp lạc quan này của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc tiếp nối những tuyên bố đồng nhất gần đây của các nhà lãnh đạo nước này về mức tăng trưởng “bình thường mới” trong bối cảnh nền kinh tế dịch chuyển từ mô hình phụ thuộc vào sản xuất và vay nợ sang mô hình dựa trên tiêu dùng và dịch vụ.
Nhưng điều mà ông Lý Khắc Cường không đề cập đến là “hóa đơn” ngày càng lớn đi kèm với việc đưa nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 7% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm nay.
Từ việc xây dựng các công trình giao thông tới đỡ tỷ giá đồng Nhân dân tệ và vực dậy thị trường chứng khoán, Trung Quốc đang chi ra hàng trăm tỷ USD và đây chính là chương trình kích thích kinh tế lớn nhất kể từ gói kích thích tăng trưởng mà Bắc Kinh tung ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Theo nhận định của giới chuyên môn, Trung Quốc sẽ tiếp tục chi thêm tiền trong thời gian tới.
Bộ Tài chính nước này cách đây ít hôm hối thúc đẩy nhanh các dự án, đồng thời hứa sẽ cắt giảm thuế và phí cho các công ty. Các địa phương của Trung Quốc cũng có động thái riêng để hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của công ty chứng khoán Mizuho Securities Asia ở Hồng Kông, cho rằng gói kích thích lần này của Trung Quốc có thể lớn ngang với gói triển khai vào năm 2009 và 2010, với vốn đầu tư tài sản cố định có thể lên tới 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,57 nghìn tỷ USD, trong vòng 2-3 năm tới.
Chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc mang nhiều “vỏ bọc” khác nhau.
Theo ngân hàng Goldman Sách, Bắc Kinh đã chi 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 236 tỷ USD, để vực dậy thị trường chứng khoán sau đợt lao dốc kinh hoàng bắt đầu từ hồi tháng 6.
Số tiền này tương đương một nửa số tiền mà Chính phủ Mỹ đã chi cho chương trình giải cứu tài sản xuất (TARP) trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Dự trữ ngoại hối giảm kỷ lục
Để có vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng và tạo việc làm, Bắc Kinh dự kiến phát hành ít nhất 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu, thậm chí là gấp vài lần con số này.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng đã chuyển 48 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và 45 tỷ USD cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc như một phần trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo Mizuho, từ tháng 5 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn hàng loạt dự án sân bay, tàu điện ngầm, cầu, đường sắt, dự án nước...
Tỉnh Sơn Đông tuyên bố sẽ mua lại các dự án nhà ở quy mô nhỏ hoặc tầm trung để chuyển đổi thành nhà công vụ cho thuê.
Về hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm kỷ lục 93,9 tỷ USD trong tháng 8 do PBoC rút USD dự trữ để bán ra.
Chưa kể, Chính phủ Trung Quốc còn đang thực hiện chương trình hoán đổi nợ được chính phủ bảo lãnh cho các địa phương.
PBoC mới đây đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng lượng vốn mà các ngân hàng thương mại có thể cho vay.
Đến thời điểm hiện tại, các biện pháp kích thích tăng trưởng của Trung Quốc vẫn chưa đạt tới quy mô như hồi năm 2008-2010.
Cần nói thêm rằng, chính gói kích thích khổng lồ sau khủng hoảng tài chính đã để lại hệ quả là một núi nợ khổng lồ cản trở tăng trưởng của kinh tế Trung quốc hiện nay.
Hôm 10/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định nước này sẽ không bơm tiền vào nền kinh tế ở quy mô lớn như vậy.
Ông Lý Khắc Cường cũng so sánh việc tạo sự cân bằng giữa chi tiền để kích thích tăng trưởng và cải tổ nền kinh tế cũng giống như chơi một ván cờ.
“Trung Quốc chưa hề công bố một gói kích thích nào lớn như gói 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ mở màn cho gói kích thích hồi năm 2008.
Tuy vậy, nếu gộp tất cả các biện pháp tiền tệ, tài khóa, hỗ trợ thị trường chứng khoán và tỷ giá, thì có thể thấy Trung Quốc đang chi một lượng tiền lớn để duy trì tăng trưởng và ổn định thị trường”, chuyên gia kinh tế Tom Orlik của Bloomberg nói.