Ngày 22-3, nhân viên Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết biểu lãi suất tiền gửi của NH này đã được điều chỉnh vài ngày qua, mức cao nhất ở kỳ hạn 36 tháng lên tới 7,2%/năm.
Kỳ hạn 3 tháng lãi suất 5,5%/năm và kỳ hạn 6 tháng lãi suất 5,8%/năm.
Các kỳ hạn trên 18-24 tháng cũng được điều chỉnh lên mức 7%/năm. Kỳ hạn 12 tháng hiện là 6,8%/năm.
"Tuy nhiên, mỗi chi nhánh có thể điều chỉnh lãi suất riêng theo thỏa thuận với khách hàng nhưng mức chênh lệch không đáng kể” - nhân viên này lý giải.
Một “ông lớn” NH quốc doanh khác là NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, sau khi kỳ hạn dài trên 36 tháng đã được đẩy lên mức 7%/năm vào đợt trước.
Cụ thể, kỳ hạn từ 3-6 tháng ở mức 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lên tới 5,8%/năm…
Ngay cả NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vốn niêm yết lãi suất huy động ở mức khá thấp so với thị trường, cũng vừa nhập cuộc làn sóng này.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi của Vietcombank ở các kỳ hạn dài 12 - 60 tháng đang dao động trong khoảng từ 6,2%/năm lên 6,5%/năm.
Các mức lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng được BIDV, Vietinbank áp dụng còn cao hơn cả một số NH cổ phần khác như Sacombank (từ 5,3%-5,5%/năm)…
Theo giới phân tích, việc các NH thương mại quốc doanh điều chỉnh lãi suất đã khiến khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động giữa khối NH cổ phần và quốc doanh thu hẹp đáng kể.
Điều này sẽ gây áp lực cạnh tranh trong thu hút tiền gửi từ phía NH cổ phần, bởi mức chênh lệch chỉ từ 0,5%/năm sẽ không đủ hấp dẫn để người dân dịch chuyển khoản tiền tiết kiệm sang NH khác.