Google đã trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014 bằng cách chuyển 12 tỷ USD doanh thu tại thị trường ngoài Mỹ tới một công ty ở Bermuda - một báo cáo của Hội đồng Thương mại Hà Lan công bố mới đây cho biết.
Theo Bloomberg, khoản doanh thu trên được Google di chuyển qua chi nhánh có tên Google Netherlands Holdings BV ở Hà Lan tới công ty ở Bermuda.
So với năm 2013, số doanh thu mà công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới chuyển tới Bermuda tăng 16%. Khoản tiền này cũng chiếm phần lớn doanh thu của Google ở thị trường nước ngoài.
Thông tin trên được công bố trong lúc Google vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở châu Âu vì số thuế quá khiêm tốn mà công ty đóng ở thị trường này.
Tháng trước, Google đã bị truy thu 130 triệu Bảng, tương đương 187 triệu USD, tiền thuế mà công ty này bị cho là đã trốn đóng ở Anh trong 10 năm.
Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng con số này thấp xa so với số thuế mà Google lẽ ra phải đóng trên thực tế.
Thỏa thuận chấm dứt tranh cãi về thuế giữa Google và Chính phủ Anh đã dẫn tới hàng loạt vụ điều trần trước quốc hội, kiểm toán và các động thái giám sát ở các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).
Pháp và Italy được cho là đang thảo luận với Google về giải quyết tranh chấp thuế. Ngoài châu Âu, các nghị sỹ Australia mấy tuần gần đây đã đặt câu hỏi liệu Google đã nộp đủ thuế ở nước này hay chưa.
Chi nhánh của Google ở Hà Lan là trung tâm trong một cơ cấu thuế được gọi là “Double Irish” và “Dutch Sandwich”, vì cơ cấu này bao gồm việc chuyển tiền từ một chi nhánh của Google ở Ireland sang một chi nhánh của Google ở Hà Lan, trước khi số tiền tiếp tục được chuyển sang một chi nhánh khác ở Ireland, mà về thực chất được đặt ở Bermuda - nơi không có thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việc dịch chuyển doanh thu này cho phép Alphabet, công ty mẹ của Google, giữ thuế suất đối với lợi nhuận từ thị trường quốc tế ở ngưỡng 1 con số.
Trong năm 2015, Alphabet công bố thuế suất trung bình mà công ty phải đóng ở thị trường ngoài Mỹ chỉ là 6,3%.
Lỗ hổng thuế của Ireland mà các công ty tranh thủ để sử dụng chiến thuật “Double Irish” đã bị Quốc hội nước này đóng lại vào năm ngoái.
Tuy nhiên, các công ty hiện đang sử dụng cơ cấu này vẫn có thể tận dụng cho tới hết năm 2020.
Vào cuối năm 2015, các chi nhánh của Alphabet ở nước ngoài đang nắm giữ số tiền 43 tỷ USD chưa bị đánh thuế ở Mỹ - theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) công bố mới đây.