Gói 30 nghìn tỷ đồng: Cần công bằng, minh bạch

Từ ngày 1/6, Ngân hàng Nhà nước chính thức tung gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay lãi suất 6%/năm trong thời gian 10 năm. Điều người dân và doanh nghiệp (DN) cần hiện nay là sự công bằng trong chính sách và áp dụng chính sách.

Chính sách hỗ trợ lần này được thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam - khẳng định: “Tập trung cho người thu nhập thấp chứ chưa thể giúp cho nhiều đối tượng khác trong xã hội”. Nhưng sẽ có bao nhiêu người đủ tiêu chuẩn hưởng lợi từ chính sách này nếu chiểu theo quy định: Đối tượng được vay là những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng.

Với mức trả cả gốc và lãi vay mỗi tháng 6 triệu đồng thì gia đình đó phải có 2-3 người đi làm và mức tổng thu nhập phải từ 15-18 triệu đồng mới có thể tiếp cận được.

Theo Nghị định 34/2013/NĐ-CP, có 8 đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội trong đó, có cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Như vậy, chỉ 281.692 công chức theo Quyết định 542/QĐ-TTg mới có cơ hội được mua nhà đợt này.

Người ta không khỏi nghi ngờ tính khách quan của những quy định này, bởi trong thực tế, đã có không ít ví dụ vì lợi ích nhóm. Cũng sẽ là thiếu công bằng đối với người lao động thu nhập thấp vì họ đã và đang đóng góp vào phát triển kinh tế chung.

Gói 30 nghìn tỷ đồng: Cần công bằng, minh bạch
 

Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.500 USD/năm, khoảng 3 triệu đồng/tháng. TS. Phạm Sĩ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - đặt giả định: Nhà nước dùng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp được thuê nhà ở xã hội, với giá thuê là 30% tổng thu nhập mỗi năm. Một gia đình 2 người đi làm có thu nhập 6 triệu đồng, có thể thuê một căn hộ với giá 1,5-1,8 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 30% tổng thu nhập.

Tuy nhiên, DN cho thuê căn hộ 25m2, với giá 2,5 triệu đồng, mà hộ dân chỉ có 1,8 triệu đồng, thì nhà nước sẽ hỗ trợ phần chênh lệch, sau đó, thu thuế của DN để bù vào. “Cách làm này chẳng qua là lấy “mỡ nó rán nó”, nhưng sẽ thúc đẩy thị trường nhà cho thuê phát triển” - TS. Liêm khẳng định, song cũng khuyến cáo: “Chính phủ đừng lấy tiền thuế này chi vào việc khác mà nên để điều tiết thu nhập giữa DN và người thuê nhà, cũng đừng bắt DN phải cho thuê với giá này, giá kia mà hãy để thị trường quyết định”.

Theo TS. Liêm, người có thu nhập thấp là người có ít tích lũy, nếu không tích lũy là người nghèo. Vì vậy, nhà nước nên hỗ trợ để những người đã có tiền tích lũy được mua nhà nhanh. Đầu tiên, giúp những người đã có 1/2 tiền nhà và cho vay phần còn lại, tiếp đến là những người tích lũy được 1/3 rồi 1/4...

Vấn đề quan trọng là thúc đẩy chứ không phải làm thay thị trường. TS. Liêm nói: “Sức mua sẽ được nâng lên, tiền lưu thông trên thị trường nhanh hơn, người thu nhập thấp sớm có nhà ở trong khi DN giữ được tiền vốn, đảm bảo thu nhập hàng tháng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại