Thông tin với báo chí chiều 12/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, điểm được nhất của điều hành giá xăng dầu thời gian qua là đảm bảo công khai minh bạch và điều hành bám sát thị trường, giá mua đắt sẽ bán đắt, mua rẻ bán rẻ.
Giá xăng sẽ được điều chỉnh hàng ngày
Cụ thể, năm 2015 có 18 lần xăng dầu được điều chỉnh với 12 lần giảm, 6 lần tăng.
"Nếu như trước đây thường bị phản ánh là điều chỉnh vào 'giờ hiểm' thì giờ cứ đúng 15h sau 15 ngày sẽ công bố điều chỉnh một lần. Công thức tính toán thì cũng có sẵn rồi", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với việc sử dụng quỹ bình ổn vốn được cân đối dùng trong trường hợp giá tăng quá mạnh sẽ có lúc phải bỏ.
Đồng thời, trong tương lai cũng tính tới sẽ điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc việc doanh nghiệp trong nước và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng có đảm bảo để vận hành như vậy được hay không.
Mới đây trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải vì sao giá dầu giảm 40% nhưng giá xăng trong nước chỉ giảm 12%, Bộ trưởng cho biết, giá dầu thô và giá xăng bán lẻ là hai khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau về tỷ lệ giá.
Do bên cạnh giá dầu thô, giá xăng còn phụ thuộc vào chế biến, lưu thông, dự trữ và thuế liên quan.
Tính toán được Bộ trưởng Dũng đưa ra cho thấy, chi phí dầu thô chỉ chiếm 40% trong giá bán lẻ xăng và 50% trong giá bán lẻ dầu.
Đồng thời, những chi phí sản xuất, lưu thông cũng được Bộ trưởng Tài chính cho biết là những chi phí tương đối cố định và thậm chí trong điều kiện hiện nay còn tăng lên.
Thuế phí chiếm nửa giá xăng
Thực tế, trong cơ cấu giá xăng, dầu hiện nay, các khoản thuế phí đang chiếm tới 50%, điều này lý giải vì sao giá xăng, dầu dù đã được chỉnh theo diễn biến của giá thế giới nhưng mức giảm có thể sâu hơn nữa nếu không phải "gánh" quá nhiều các khoản thuế, phí phải kể đến như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng...
Theo bảng giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong ngày 4/1 vừa qua khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 373 đồng/lít về mức 16.030 đồng/lít cho thấy, giá thế giới (FOB) bình quân 15 ngày đối với xăng RON 92 là 51.391 USD một thùng; giá CIF tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 7.514 đồng mỗi lít.
Bảng giá cơ sở cũng cho thấy, thuế nhập khẩu (20%) là 1.505 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 902 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.457 đồng/lít.
Tổng cộng các khoản thuế là 6.864 đồng, tương đương 42,8% giá bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, 2 khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu là 1.350 đồng một lít.
Các khoản thuế, phí kể trên lên trong cơ cấu mỗi đến 8.214 đồng, tương đương 51,2% giá bán lẻ xăng dầu.
Giá bán lẻ xăng có thể có mức giảm sâu hơn 12% khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN có hiệu lực nhưng từ ngày 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lại tăng đến 300% từ 1.000 đồng/lít lên mức 3.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính từng khẳng định, việc tăng thuế môi trường lên 300% sẽ không làm tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước mà sẽ bù đắp một phần ngân sách bị thâm hụt và đảm bảo theo đúng các cam kết quốc tế.
“Việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường như trên sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước khi cùng một mặt bằng giá xăng dầu thế giới, cơ cấu thuế trong giá xăng, dầu không tăng mà còn giảm (mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu giảm do thực hiện theo các cam kết quốc tế)”, lãnh đạo Bộ Tài chính từng khẳng định.
Trước sự bức xúc của dư luận, đến cuối tháng 5/2015, Bộ Tài chính công bố phép so sánh tác động của giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống 20% với tác động của tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng.
Song thay vì tính giá xăng dầu ở 2 thời điểm phải trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường là mức cũ và mức mới để so sánh, Bộ Tài chính lại quy tất cả các phép tính trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường mới.