Báo chí sôi nổi bàn về khó khăn của Lọc dầu Dung Quất và kiến nghị của họ về ưu đãi thuế nhập khẩu.
Có vài điểm cần tách bạch và làm rõ ở đây.
Thứ nhất, việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất ở vị trí không thuận lợi về kinh tế (do chi phí chuyên chở nguyên liệu tới Dung Quất cao hơn và chi phí chuyên chở sản phẩm của nhà máy đến nơi tiêu thụ cũng cao hơn, làm tăng chi phí so với nếu giả như nhà máy ở gần nơi tiêu thụ hơn; và các chi phí liên quan khác).
Đây là vấn đề có thật và quyết định xây nhà máy ở Dung Quất không phải là quyết định kinh tế, mà là quyết định chính trị-xã hội của những người đã ra quyết định khi đó do muốn dùng Dung Quất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực đó.
Vì không phải là quyết định kinh tế, nên nếu muốn giữ ý nghĩa của quyết định chính trị-xã hội thì nhà nước nên có chính sách bù cho sự gia tăng chi phí do vị trí không thuận lợi về kinh tế đó gây ra trong một số năm định trước (thí dụ, 10 hay 15 năm).
Chi phí đó phải do ngân sách nhà nước chi cho mục tiêu chính trị và xã hội của nhà nước mà nhà đầu tư nếu chỉ vì lợi nhuận sẽ không bao giờ đầu tư ở đó.
Đáng tiếc việc này, theo tôi nghĩ, đã không được thỏa thuận giữa nhà nước và nhà đầu tư (Petrovietnam) ngay từ đầu. Đây là sự thực của quá khứ, không bàn ở đây.
Thứ hai, nếu nguyên liệu đầu vào của nhà máy Dung Quất (dầu thô chẳng hạn) phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn mức nhập nguyên liệu (hay thành phẩm) từ bất kể nước nào, thì vô tình nhà nước đẩy Dung Quất vào thế bất lợi và có thể bị phá sản và như thế nhà nước không những không đạt được mục tiêu kinh tế mà cả mục tiêu chính trị-xã hội của nhà nước.
Khi còn làm TGĐ công ty liên doanh Genpacific (công ty nhập khẩu linh kiện máy tính [nguyên liệu] để lắp ráp thành máy tính [sản phẩm]) 27 năm trước, tôi đã phải đối mặt với tình trạng trớ trêu như sau: thuế nhập khẩu linh kiện là 0% nếu xuất khẩu sản phẩm và 10% nếu sản phẩm được tiêu thụ trong nước; trong khi đó thuế nhập khẩu máy tính nguyên chiếc là 0%.
Máy tính xuất sang Liên Xô khi đó không bị ảnh hưởng gì, nhưng tiêu thụ trong nước thì rất khó cạnh tranh vì phải gánh thêm khoản thuế nhập khẩu phi lý đó.
Chúng tôi đã kêu với Bộ Tài chính, với các ủy ban Quốc hội (đã mời họ đến tận nhà máy xem) và ai cũng thấy quy định thuế đó là phi lý, nhưng chẳng ai giải quyết.
Tất nhiên, chúng tôi không ngu mà tiếp tục sản xuất và nhà máy lắp ráp hiện đại bị dỡ bỏ (rất đáng tiếc). Tôi nêu lại bài học này vì có thể có cái gì đó tương tự với Dung Quất hiện nay.
Do thông tin báo chí cung cấp không rõ¸nên tôi phải giả thiết 2 khả năng.
1) Nếu nguyên liệu nhập khẩu của Dung Quất phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn thuế nhập khẩu cùng nguyên liệu đó từ bất kể nước nào (Hàn Quốc chẳng hạn), thì nhất thiết phải cho Dung Quất hưởng cùng thuế suất thấp đó.
2) Nếu thuế nhập khẩu thành phẩm tương tự như của Dung Quất (từ bất kể nơi nào, Hàn Quốc chẳng hạn) thấp hơn mức thuế nhập khẩu nguyên liệu của Dung Quất [tương tự như trường hợp của chúng tôi 27 năm trước] thì phải cho Dung Quất hưởng mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu không cao hơn mức thuế suất nhập khẩu thành phẩm tương tự như sản phẩm của Dung Quất.
Chỉ có thế mới không vô tình đẩy một doanh nghiệp đến phá sản do chính sách phân biệt đối xử, phi lý và không bình đẳng.
Thứ ba, nếu tạo mọi điều kiện bình đẳng cho Dung Quất (như nêu ở 2 phần trên) mà Dung Quất vẫn không cạnh tranh được thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và toàn quyền xử lý (thí dụ, bán rẻ nhà máy và chỉ thu được một phần khoản đầu tư, tức là chịu lỗ; chủ mới do mua rẻ nên khấu hao ít và chi phí giảm nên lại có thể cạnh tranh được và hoạt động tốt lên).
Chủ đầu tư trực tiếp là Petrovietnam nhưng gián tiếp là nhà nước và nhà nước phải có quyết định phù hợp để gỡ khó khăn này (bớt thiệt hại kinh tế) do những quyết định vì các mục tiêu chính trị-xã hội của mình.
Bất luận ai là chủ sở hữu tới đây của nhà máy Dung Quất, nhất quyết không thể để nhà máy trở thành đống sắt vụn nhưng cũng nhất quyết không được bao cấp nó một cách vô nguyên tắc.
Thứ tư, bài học rút ra là nhà nước chỉ nên tạo ra chính sách chứ không nên trực tiếp làm kinh tế và chính sách phải bình đẳng và công bằng với tất cả mọi doanh nghiệp trong cùng ngành.