Điên đầu vì thuế, phí

Theo NLĐ |

Tỉ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước lên đến 24,4% GDP khiến thuế, phí đè nặng lên đời sống người dân và doanh nghiệp, trong khi bội chi ngân sách vẫn ở mức 5% GDP lại dàn trải, thiếu hiệu quả

Năm 2012, chuyện thuế, phí luôn gây bức xúc dư luận, bắt nguồn từ cơ cấu bất hợp lý của ngân sách Nhà nước (NSNN). Những biến động tiêu cực gần đây của kinh tế toàn cầu đã làm bộc lộ nhiều khiếm khuyết của nền kinh tế liên tục tăng trưởng nóng như Việt Nam. Thâm hụt ngân sách cao và kéo dài đã làm nảy sinh hàng loạt vấn đề đe dọa sự ổn định của nền kinh tế và ở góc độ xã hội, hiệu ứng tận thu thuế, phí là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Gấp 1,4-3 lần so với nhiều nước

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết theo quyết toán của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN giai đoạn 2007-2011 tương đương khoảng 29% GDP. Nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3% GDP.

Nếu loại trừ dầu thô, số thu còn khoảng 21,6% GDP. Do thu từ dầu thô có tỉ trọng giảm dần, từ 6,9% GDP năm 2007 xuống còn gần 3,1% năm 2011 trong khi thu NSNN vẫn ổn định, chứng tỏ các khoản thu khác đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là thuế và phí. Theo tính toán của Ủy ban Kinh tế, tỉ trọng thu thuế, phí năm 2010 ở mức khoảng 22,6% GDP nhưng đến năm 2011 đã tăng lên 24,4% GDP. Như vậy, tỉ lệ thuế, phí/GDP của Việt Nam cao gấp 1,4 - 3 lần so với nhiều nước trong khu vực.

Từ 1-1-2013, nhiều phương tiện sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộẢnh: TẤN THẠNH

Tổng thu thuế đến từ 3 nguồn chính: thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Đáng lưu ý là tỉ trọng thuế thu nhập DN đang giảm dần, từ 36% giai đoạn 2006-2008 xuống chỉ còn 28% trong giai đoạn 2009-2011.

 

Tổng mức thu thuế/GDP cao đã hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm đầu tư phát triển, giảm khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân và khuyến khích các hành vi gian lận thuế.

Nguồn thu bấp bênh

Thu NSNN luôn ở trong tình trạng bấp bênh do bất ổn về cơ cấu. Đóng góp từ dầu thô, nhà đất, xuất nhập khẩu chiếm tỉ trọng khá cao nhưng lại là các khoản thu không bền vững.

Việc khai thác dầu thô và nhiều tài nguyên khác cũng giống các khoản thu từ việc bán tài sản quốc gia mà nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Khoản thu từ dầu thô chiếm tới gần 29% tổng thu ngân sách năm 2006 nhưng đến năm 2011 đã giảm xuống chỉ còn chưa đến 12%. Các khoản thu từ bán nhà thuộc quyền sở hữu Nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất cũng giảm dần. Các khoản thu này tương tự việc bán tài sản để chi tiêu, tiền trong túi tăng lên đồng nghĩa với tài sản giảm đi tương ứng.

Đối với thu thuế xuất nhập khẩu, dù liên tục tăng trong vài năm gần đây nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào đó sẽ khiến mức độ thâm hụt NSNN có thể trở nên trầm trọng hơn trong những năm tới, do phải thực hiện các cam kết hội nhập, không thể duy trì mức bảo hộ thương mại cao.

Do bất ổn từ cơ cấu, thu NSNN năm 2012 đã lần đầu tiên không vượt dự toán. Sụt giảm lớn nhất là nguồn thu nội địa và xuất nhập khẩu, giảm tới 25.500 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa giảm khoảng 17.600 tỉ đồng do hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính Vũ Nhữ Thăng, tình hình kinh tế dự báo còn khó khăn đến năm 2015 thì NSNN sẽ khó duy trì được mức thu như 5 năm qua. Hiện ngành tài chính đang phải cân đối lại cơ cấu thu hợp lý, phù hợp hơn. Để có một nền tài chính bền vững, bội chi NSNN đã được ấn định không quá 5% GDP rồi giảm về mức 4,5% và 4% vào năm 2015 và 2020.

Chi tiêu quá tay

Trong khi nguồn thu NSNN không ổn định thì chi tiêu luôn trong tình trạng quá tay. Chi tiêu công được xem là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo các nhà kinh tế, quy mô chi tiêu công tối ưu đối với các nền kinh tế đang phát triển nằm trong khoảng 15%-20% GDP nhưng tại Việt Nam, con số này đã lên đến 30% GDP. Đầu tư công của Việt Nam chiếm đến 40% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng dàn trải, kém hiệu quả khiến động lực chính để tăng trưởng kinh tế không cao.

Đáng chú ý là trong tổng chi tiêu NSNN, chi thường xuyên chiếm tỉ trọng rất lớn trong khi chi đầu tư phát triển lại ít hơn nhiều. Điều này cho thấy sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền. Đây cũng là năm đầu tiên Chính phủ đặt vấn đề không bố trí nguồn tăng lương tối thiểu theo lộ trình do thiếu hụt ngân sách nhưng không được Quốc hội chấp thuận.

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết 10 năm nay, tổng quỹ tiền lương liên tục tăng. Hiện nay, chi lương, phụ cấp và các khoản liên quan đến tiền lương đã chiếm đến 51% chi thường xuyên ngân sách, tương đương 10% GDP. So với các nước có thu nhập bình quân như Việt Nam, tổng nguồn bảo đảm trả lương không thấp, thậm chí cao hơn nhưng điều rất mâu thuẫn là tổng nguồn cao mà tiền lương luôn thấp.

Nguyên nhân của sự mâu thuẫn này được Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng do cấu trúc của hệ thống quá lớn, thể hiện ở bộ máy hành chính cồng kềnh, không chỉ có công chức, viên chức mà còn phải nuôi một bộ phận rất lớn người hưởng lương hưu cũng như các đoàn thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại