Đánh thuế khoản tiết kiệm phòng thân của người dân từ 1/3

Theo PLXH |

Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn cục thuế tỉnh, thành phố xác định thuế GTGT đối với các hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh vừa kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, vừa chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp. Việc xác định thuế GTGT phải nộp được tính như sau:

Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng GTGT của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với với thuế suất áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ đó. GTGT của hàng hoá, dịch vụ được xác định bằng giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ bán ra trừ đi giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào tương ứng.

Nếu đánh thuế vàng miếng thì chẳng khác gì đánh thuế tiền đồng hay ngoại tệ.

Giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra là giá thực tế bán ghi trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ, bao gồm cả thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu được tiền.

Còn giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào được xác định bằng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT bán ra tương ứng.

Tổng cục Thuế cho rằng, doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cũng thuộc hoạt động kinh doanh vàng. Và từ ngày 1-3-2012, hoạt động chế tác vàng, đồ trang sức thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chia vàng làm hai loại là vàng tiền tệ (vàng miếng) và vàng hàng hóa (vàng trang sức) thì đánh thuế vàng trang sức là đúng nhưng đánh thuế vàng miếng là vô lý. Nếu đánh thuế vàng miếng thì chẳng khác gì đánh thuế tiền đồng hay ngoại tệ.

Trong tình hình hiện nay thị trường vàng đang có nhiều vấn đề lình xình, bản thân khi vàng SJC được chọn làm thương hiệu quốc gia vẫn đang có nhiều ý kiến chưa đồng tình, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước vẫn đang vênh nhau. Vì vậy, giải pháp chính yếu hiện nay là NHNN phải đưa thị trường vàng vào ổn định.

Một chuyên gia nói, nếu thuế vàng là phương tiện thì cũng không thể đánh thuế cào bằng như nhau. Đã phân vùng vàng miếng SJC, phi SJC, vàng trang sức thì phải có phân vùng thuế. Mọi người đổ xô vào vàng vì lo sợ lạm phát, mất giá. Vì vậy dù có đánh thuế cũng khó đổi được thói quen tích trữ vàng của người dân.

Mua vàng miếng là thói quen, nhu cầu của nhiều người dân

Chị Thanh Hiền đang mua vàng tại  khu Định Công, khi biết tin mua vàng bị đánh thuế từ 1-3 năm nay liền kêu ca: “Tiền mất giá, lãi suất gửi ngân hàng cũng không được bao nhiêu nên khoản thu nhập từ cửa hàng kinh doanh quần áo sau khi trừ đi các chi phí và sử dụng chi tiêu cho gia đình tôi cũng dành dụm mua vàng coi như để dành cho cô con gái sắp thi vào đại học.

Đánh thuế vàng khiến tôi khá thất vọng vì mình đâu phải buôn bán, đầu tư vàng mà chỉ giữ làm của để dành. Đánh thuế như vậy không khác gì đánh vào khoản dành dụm phòng thân của người dân”.

Bà Phú, nhà ở khu Định Công nghe tin cũng bức xúc: "Tôi không hiểu người ta sẽ thu thuế kiểu gì, bao nhiêu năm đi làm tôi tích góp từng đấy vàng để lo tuổi già bây giờ lại đánh thuế, khác nào bỗng dưng bị móc túi. Nếu như Nhà nước muốn hạn chế mua bán vàng kiểu này sẽ tạo cơ hội cho thị trường vàng “chợ đen” hoạt động giống như ngoại tệ thôi, vì nhu cầu người dân nắm giữ vàng là rất lớn”.

Một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng chia sẻ: “Vàng đâu phải là mặt hàng xa xỉ, ăn chơi mà phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đánh thuế vàng chẳng khác gì đánh vào túi tiền tích góp của dân. Điều này hết sức vô lý”.

Ngay cả Trung Quốc, Ấn Độ tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới cũng không đánh thuế vàng. Hiện, doanh nghiệp kinh doanh vàng đã phải chịu thuế thu nhập DN rồi

Ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, hiện nay, ở Việt Nam đang dùng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế việc mua bán các mặt hàng xa xỉ như: rượu, bia, thuốc lá, ô tô, kinh doanh casino...

Đối với vàng phải tách ra hai loại: vàng trang sức và vàng miếng.  Vàng trang sức đặc thù bởi tạo công ăn việc làm cho nhiều người, tạo giá trị gia tăng cao, nhu cầu chính đáng. Tôi thấy đây là một biện pháp khập khiễng. Chưa kể, với vàng miếng, phần lớn người dân, kể cả nông dân Việt Nam có thói quen tích góp vàng. Nay bỗng dưng bị đánh thuế chẳng khác nào móc túi của người dân.

Trước đó, tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 25/10/2012, ông Lê Minh Hưng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng.

“Có thể sẽ cân nhắc đến thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng vì đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Đã kinh doanh hàng hóa thì phải chịu thuế giá trị gia tăng. Hiện nay vàng chỉ chịu thuế xuất khẩu 10%, còn vàng nguyên liệu nhập khẩu không chịu thuế”. Ông Hưng nói.

Lý do mà NHNN đề xuất đánh thuế vàng là để hạn chế vàng hóa nền kinh tế. “Hoạt động mua bán vàng nếu có sinh lời chẳng qua là lợi nhuận kinh doanh chuyển từ túi người này sang túi người khác chứ không mang giá trị gia tăng cho nền kinh tế vì Việt Nam không sản xuất vàng mà chỉ buôn bán qua lại” - Phó Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Không chỉ cho rằng đề xuất đánh thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng là đánh vào sự tích cóp của người dân, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp vàng lo ngại việc này sẽ đẩy giá vàng lên cao.

Việc quản lý kinh doanh vàng hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa xử lý dứt điểm được. Nếu tiếp tục đưa ra chính sách thuế đối với vàng có thể khiến thị trường này thêm rối, không loại trừ những biến tướng chưa thể lường trước.

Bên cạnh đó là lo ngại đánh thuế vàng sẽ làm nở rộ vàng chợ đen. Để hạn chế việc phải đóng thuế, những hộ gia đình có thói quen tích trữ vàng sẽ tìm cách "lách luật". Họ sẽ không bán vàng cho ngân hàng mà sẽ đưa ra thị trường "chợ đen". Lúc này, thị trường vàng "chợ đen" sẽ phát triển rầm rộ. Nhà nước lại càng khó kiểm soát.

TS. Nguyễn Trọng Tài - Học viện Ngân hàng cho rằng: “Việc đánh thuế vàng nếu không cẩn thận không những không hạn chế được vàng hóa mà còn làm cho thị trường vàng thêm phức tạp. Bình ổn thị trường vàng là phải hạn chế được giới đầu cơ chứ không phải đánh vào túi tiền tích cóp ít ỏi của người dân.

Thuế vàng càng phức tạp, thị trường vàng càng rối, càng khuyến khích đầu cơ. Cái mà thị trường vàng cần hiện nay là minh bạch thông tin, chính sách chứ không phải làm thị trường thêm rối bởi thuế”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại