Dằn túi triệu đô, đại gia Việt thâu tóm hàng không

M.Hà |

Sau vụ thâu tóm Sasco của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bố chồng của nữ diễn viên Tăng Thanh Hà, cổ phiếu ngành hàng không trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết hiện chưa có tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) chiến lược.

Các tiêu chí sẽ sớm được trình lên để Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại đã có nhiều NĐT bày tỏ sự quan tâm.

Cũng theo ông Hùng, ACV hiện giờ chưa có cam kết nào.

Nhưng về cơ bản, ACV sẽ chọn cổ đông chiến lược có cam kết lâu dài, có năng lực về quản trị, năng lực về tài chính, công nghệ và có thể giúp TCT huy động vốn cho chiến lược phát triển dài hạn.

Trước đó, Bộ Trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã có chỉ đạo yêu cầu chọn cổ đông chiến lược đủ năng lực để đảm bảo DN phát triển mạnh sau CPH. ACV không chỉ quan trọng đối với ngành hàng không, mà còn cho cả nền kinh tế vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Theo kế hoạch, ngày 10/12 tới, ACV - DN với vốn điều lệ hơn 22 ngàn tỷ sẽ bán hơn 77,8 triệu cổ phần (3,47%) ra công chúng tại Sở GDCK TP HCM (HOSE) với giá khởi điểm là 11.800 đồng/cổ phần.

ACB bán ưu đãi cho người lao động và công đoàn DN tổng cộng hơn 1,4% cp. Nhà nước sẽ nắm giữ 75% và bán khoảng 20% vốn cho NĐT chiến lược.

ACV hiện là DN duy nhất trong lĩnh vực hạ tầng cho ngành hàng không, được sáp nhập từ 3 TCT là Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam hồi tháng 2/2012.

ACV hiện có 22 cảng hàng không, trong đó 7 cảng quốc tế, nổi bật là “con gà đẻ trứng vàng” Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Ngoài ra còn có một số công ty con và công ty liên kết.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất - con gà đẻ trứng vàng của ACV.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất - con gà đẻ trứng vàng của ACV.

Cổ phiếu ngành hàng không nói chung gần đây nóng lên sau thương vụ ông Johnathan Hạnh Nguyễn - bố chồng của nữ diễn viên Tăng Thành Hà thâu tóm Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Sasco cùng với Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) là thành viên của ACV.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, DN chứng kiến lợi nhuận tăng vọt 44% so cùng kỳ. Trước đó, Sasco đạt mức giá IPO cao gấp hơn 2 lần so với khởi điểm.

Các cổ phiếu trong nhóm ngành có hơi hướng độc quyền và hoạt động trong lĩnh vực hàng không đang tăng trưởng rất mạnh của Việt Nam đang thực sự hấp dẫn giới đầu tư.

Các cổ phiếu như “vua cổ tức” NoiBai Cargo (NCT), Xuất nhập khẩu hàng không - Arimex (ARM), Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS)… đều tăng giá mạnh rất mạnh trong thời gian gần đây.

Hiện giới đầu tư đang chờ đón đợt IPO của hãng hàng không mới nổi và tăng trưởng như vũ bão VietJet Air sau khi vụ IPO của Vietnam Airlines hồi cuối năm ngoái.

Với ACV, theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Khối phân tích BSC, sự hấp dẫn còn nằm ở vị thế độc quyền đối với hạ tầng hàng không, dòng tiền mạnh mẽ, doanh thu lợi nhuận ổn định, tiền mặt dồi dào và các khoản vay lãi rất thấp, kỳ hạn lên tới 40 năm và bằng tiền yên Nhật, không chịu nhiều ảnh hưởng của tỷ giá.

Theo IATA, ngành hàng không VN sẽ tăng trưởng mạnh nhất khu vực trong giai đoạn 20 năm tới. Gần đây, hàng loạt các đại gia đã nhận thấy tiềm năng này.

Vận tải hành khách và logistics sẽ phát triển mạnh theo kinh tế và đà hội nhập của VN.

Trong tuần này, Vietjet cũng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị được thuê khai thác, quản lý Cảng hàng không Phú Quốc (một cảng của ACV) trong 30 năm.

Trước đó, Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có mong muốn tương tự.

Hồi đầu năm, Vietnam Airlines thậm chí còn muốn “mua” Nhà ga hành khách T1, Nội Bài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại