LTS: Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước sang năm 2014 – một năm được các tổ chức quốc tế nhận định rằng, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc, lấy lại đà phát triển của mình. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Trí thức trẻ, ngài Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Andrej Motyl lại tỏ ra không lạc quan về đà tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới. “Tôi chỉ thấy một sự tăng trưởng duy nhất, đó là tăng đầu tư nước ngoài, để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ ở đây" - ông Motyl nói.
Cuộc trao đổi với ngài Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Andrej Motyl dưới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về những điểm còn hạn chế của Việt Nam.
- Một số tổ chức quốc tế nhận định rằng từ năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phát triển của mình. Nhận xét của ông về việc này thế nào?
Đại sứ Motyl: Tôi cho rằng các tổ chức này đã lạc quan quá. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam cần tăng năng suất lao động và tăng cường các nhân tố khác (số người lao động, chất lượng lao động, nguyên liệu đầu vào, cộng với đầu tư trong nước và nước ngoài...) để thúc đẩy tăng trưởng. Tôi chỉ thấy một sự tăng trưởng duy nhất, đó là tăng đầu tư nước ngoài, để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ ở đây.
Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng từ 5 – 5,5 %, nhưng có được điều này chủ yếu là nhờ các tập đoàn nước ngoài đến đây để sử dụng nhân công giá rẻ. Việt Nam chưa tạo ra được những công việc trình độ cao, do Việt Nam đang ở trong cái "bẫy thu nhập trung bình".
Việt Nam đã không tiến hành giải thể có chọn lọc các cơ sở công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách cổ phần hóa lẽ ra phải đánh dấu một sự thay đổi, nhưng trên thực tế đó chỉ là một dạng khác của kinh tế nhà nước.
Việt Nam sẽ không rơi vào đói nghèo, nhưng sẽ vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng và sự nhiệt tình của người dân, do các cải cách vẫn còn quá dè dặt.
- Theo ông, điều gì sẽ giúp Việt Nam phát triển và thành công như Thụy Sĩ hay các nước phát triển khác?
Đại sứ Motyl: Để Việt Nam có thể phát triển như Thụy Sĩ cần rất nhiều yếu tố:
1. Việt Nam cũng như Thụy Sĩ đều có một gia tài lớn: đó là người dân rất cần cù và cầu tiến. Điều kiện cần cho sự phát triển là Việt Nam phải có một hệ thống giáo dục trình độ cao, tập trung vào đào tạo nghề, đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế công nghiệp và một mạng lưới các trường đại học đào tạo với các giảng viên trình độ quốc tế. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang xếp sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Singapore.
Vì thế, Việt Nam cần mời gọi các giáo sư trẻ trên toàn thế giới. Gửi tới họ thông điệp rằng hãy đến đất nước chúng tôi một vài năm, dù chúng tôi không thể đãi ngộ các bạn như ở Úc nhưng bù lại các bạn sẽ vừa là nhân chứng đồng thời là kiến trúc sư cho một nền giáo dục tuyệt vời. Rất tiếc là cho tới nay các trường đại học vẫn chịu quá nhiều ràng buộc, và chương trình giảng dạy được xây dựng bởi những công chức quan liêu.
2. Chính phủ Việt Nam nên nghiên cứu việc trao quyền sở hữu đất đai cho người dân. Quyền sở hữu là một trong những nền tảng của cả xã hội doanh nghiệp.
Theo Đại sứ Thụy Sỹ Motyl: Việt Nam cần mời gọi các giáo sư trẻ trên toàn thế giới.
3. Việt Nam cần thiết lập một hệ thống tư pháp có tính độc lập. Nhà đầu tư phải được biết rằng khi xảy ra tranh chấp thì họ có thể cậy nhờ vào các cơ quan chức năng độc lập.
4. Hãy cố gắng tạo ra môi trường hấp dẫn hơn các nước khác. Nếu các điều kiện cơ bản của Việt Nam (mức độ an toàn và tin cậy của cơ quan công quyền, thuế, nhân công tốt hơn của các nước khác) thì các công ty tốt nhất thế giới sẽ đổ đến đây – và không phải để sử dụng nhân công giá rẻ, mà để sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.
Tôi nhấn mạnh rằng người Việt Nam rất cần cù, hiếu khách, thân thiện, nên các bạn có thể trở thành Singapore, nhưng trước mắt các bạn phải học tập Singapore hay Thụy Sĩ.
- Liên hệ với thành công của Thụy Sĩ, điều gì khiến ông nuối tiếc nhất ở các doanh nghiệp Việt Nam? Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu?
Đại sứ Motyl: Người ta sẽ không thể xây dựng được Nestlé, ABB, Schindler, SGS, DKSH, Roche, Novartis hay Bühler... trong 5 năm, hay thậm chí trong một thế hệ. Điều Việt Nam cần làm trước hết là xây dựng các điều kiện cơ bản giống như các điều kiện của các nước phát triển.
• Một nền quản trị công hỗ trợ hiệu quả cho kinh doanh.
• Hệ thống tài chính cho phép tiếp cận được các khoản vay với các điều kiện hợp lý.
• Đổi mới toàn diện giáo dục. Cần phải thu hút các giáo sư giỏi trên toàn thế giới đến Việt Nam giảng dạy. Chỉ có thế các bạn mới có thể đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh cao.
• Trước tình hình hiện nay, cần phải xem lại khái niệm về các doanh nghiệp nhỏ và vừa (PME). Các PME có một đặc điểm duy nhất: nơi hội tụ tài năng, kinh nghiệm và lòng can đảm. Để một sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) được tạo ra, đòi hỏi một sự tích tụ tài năng. Lập một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Và khi lao vào thương trường, thì lòng can đảm là một điều kiện không thể thiếu.
Ngài Andrej Motyl (sinh năm 1956 tại Baar, Zug, Thụy Sĩ). Ông về đảm trách vai trò Đại sứ Việt Nam vào năm 2011. Trước đó, ông từng làm Đại sứ và Phó Đại sứ tại các nước khác nhau.
Năm 2007 – 2011, ông là Đại sứ Sudan, năm 2004 – 2007 giữ vị trí Phó Đại sứ Tel Aviv, từ 2001 – 2004 đảm nhận vai trò Phó Đại sứ Nairobi, Phó Đại sứ Tashkent (năm 1998), Phó Đại sứ Teheran (năm 1994 – 1997).
Tốt nghiệp Đại học Zürich, Thạc sĩ Luật Andrej Motyl từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Bern và Tel Aviv, văn phòng điều phối thông minh Thụy Sĩ, Cố vấn về các vấn đề đối ngoại. Ngoài ra cũng từng làm Bí thư thứ hai Rabat, Lagos, Moscow và Đặc phái viên tại Afghanistan.
(Còn nữa)