Rất nhiều công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh rót tiền ra nước ngoài. Mới nhất, tháng 10, Anbang Insurance, một công ty bảo hiểm ít tên tuổi của Trung Quốc, đã mua Waldorf Astoria ở New York, một công ty thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Hilton, với giá 1,95 tỷ USD.
Vài ngày sau khi mua Waldorf Astoria, Anbang Insurance cũng mua một công ty bảo hiểm của Bỉ. Các công ty bảo hiểm ở nước ngoài được đánh giá là điểm đến ưa thích của dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc. Đối tượng đầu tư ra nước ngoài giờ không chỉ là các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn lớn như trước kia, mà là rất nhiều công ty nhỏ ít được biết đến. Các giao dịch kiểu này giờ đã trở thành phương tiện để nguồn của cải dần rời bỏ Trung Quốc.
Tính chất các thương vụ này khác xa với các vụ mua lại được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn như Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC), với nhiệm vụ thâu tóm tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài theo chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng, các khoản đầu tư của các công ty nhỏ từ Trung Quốc giống như một hình thức gửi tiền ra nước ngoài hơn đầu tư trực tiếp.
Hiện những ngân hàng tư nhân tại Hong Kong đang cung cấp cho khách hàng ở đại lục một chiếc “vỏ” đầu tư ở nước ngoài, một điều kiện nhằm hội đủ yếu tố để có một tấm hộ chiếu nước ngoài. Theo nguồn tin từ các ngân hàng ở Hong Kong, nhu cầu tăng mạnh kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ được Đảng và Chính phủ Trung Quốc triển khai.
Financial Times dẫn lời một luật sư nổi tiếng trong lĩnh vực sáp nhập và mua lại doanh nghiệp cho biết, một nhóm người giàu tại Trung Quốc đã đề nghị vị luật sư này giúp họ sở hữu các bất động sản ở Hoa Kỳ. Các giao dịch này thường tránh được sự giám sát và đi kèm điều khoản về quyền cư trú cho người mua bất động sản và gia đình của họ.
Các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội mua bất động sản ở Hoa Kỳ tại một hội chợ đầu tư tài sản ở nước ngoài tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Theo một thống kê mới đây, trong quý III/2014, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 100 tỷ USD, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay bất chấp thặng dư về thương mại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Chuyên gia Kevin Lai của công ty Daiwa Capital Markets tại Hong Kong cho hay, các số liệu cho thấy các tài khoản vãng lai trong quý II/2014 đăng ký tại ngân hàng tư nhân Hong Kong là 51 tỷ USD. Con số này trong quý III ghi nhận được 122 tỷ USD. Đây thực sự là một sự đảo chiều kể từ thời điểm Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ nới lỏng định lượng giúp khoảng 1.000 tỷ USD chảy vào Trung Quốc.
Một số nhà phân tích như Helen Qiao của Morgan Stanley cho rằng, một phần của hiện tượng trên là do các công ty đang phải trả nợ bằng USD trong bối cảnh USD đang dần lấy lại được giá trị còn đồng NDT lại không ổn định. Tuy nhiên, việc dòng NDT chảy ra nước ngoài còn cho thấy những lo ngại của các nhà đầu tư Trung Quốc trước tình trạng nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu chậm lại.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng Trung Quốc chậm lại khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng một Trung Quốc đang chậm lại đến mức ngay cả nhà đầu tư trong nước dường như cũng đang mất dần niềm tin và phải đẩy mạnh việc gửi vốn ra nước ngoài quả thật rất đáng báo động.