Chuyện đời tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên Forbes

Theo Forbes/ Infonet |

Doanh nhân Việt đầu tiên vào danh sách tỷ phú của Forbes (1,5 tỷ USD) được mô tả là Donald Trump của Việt Nam và bị đồn "đã chết" tới 4 lần trong năm 2012.

Một buổi sáng tháng 10 năm ngoái trên đường Đồng Khởi - trục đường thương mại sầm uất hàng đầu Sài Gòn đã bị đóng cửa trong gần hai tiếng đồng hồ để khai trương trung tâm thương mại Vincom Center A với diện tích 38.000 mét vuông, bãi đậu xe ngầm ba tầng, 300 phòng và cả khách sạn 5 sao. Việc khai trương này diễn ra khi thị trường bất động sản Việt Nam đang lâm vào tình trạng đóng băng kể từ năm 2011 với ít nhất 13,5% con số 10 tỷ USD cho vay bất động sản của cả nước bị liệt vào hàng nợ xấu.

 

Tuy hoành tráng là vậy, nhưng người đàn ông 44 tuổi đứng đằng sau thắng lợi trị giá 500 triệu USD lại vô cùng lặng lẽ, không rượu sâm-panh, không một bài phát biểu mà chỉ âm thầm theo dõi buổi lễ: "Tôi thích tự mình nhấm nháp hạnh phúc", ông Vượng giải thích sau buổi lễ ở khu Làng Vincom, Hà Nội - một trong những dự án đình đám khác của Vingroup.

Tên của ông được dịch là "Thịnh Vượng" và ông thường được miêu tả như Donald Trump của Việt Nam. Phạm Nhật Vượng cũng là người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes với khối tài sản ước tính 1,5 tỷ USD dựa trên 53% số cổ phần ông nắm giữ tại tập đoàn Vingroup cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tập đoàn này cũng lọt vào top 5 công ty giá trị nhất trên sàn chứng khoán Việt bây giờ.

 

Ông Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội, một trong những năm quan trọng nhất trong cuộc chiến chống Mỹ tại đất nước này. Cha của ông phục vụ trong lực lượng phòng không của quân đội nhân dân Việt Nam, mẹ ông bán trà vỉa hè. Sau ngày đất nước thống nhất, tình hình kinh tế khó khăn khiến gia đình ông chỉ dựa được vào thu nhập ít ỏi của người mẹ: "Ước mơ của tôi không lớn, tôi chỉ muốn hỗ trợ gia đình mình", ông Vượng chia sẻ.

Người đàn ông này đã vượt lên hoàn cảnh của mình nhờ những cuốn sách. Ông nhanh chóng thể hiện khả năng học toán thần đồng và kiếm được học bổng nghành kinh tế khai thác tại Viện địa chất Moscow, Nga. Giống như định mệnh, ông tốt nghiệp năm 1993 cũng là thời điểm Liên Xô mới tan rã, với đầy đủ thách thức và cả những cơ hội lớn cho người trẻ.

Sau khi kết hôn cùng người yêu thời đại học, ông Vượng quyết định ở lại nước ngoài để tận dụng cơ hội thời hậu Xô-Viết. Ông và vợ ở lại Ukraina, mở một nhà hàng Việt với số vốn ban đầu 10.000 USD huy động từ đủ mọi nguồn có thể. Với đầu óc nhạy bén, ông đã kinh doanh cả mì được sản xuất trên quy trình nhập khẩu từ Việt Nam và gây tiếng vang lớn. Khái niệm mì ăn liền đã ngay lập tức được đón nhận ở Ukraina do khi ấy đất nước này vẫn rất nghèo đói.

 

Tỏ ra mạo hiểm hơn, ông thế chấp toàn bộ những gì mình có để vay tiền với lãi suất 8% mỗi tháng để mở rộng sản xuất. Ông đã khai phá một thị trường mới đầy tiềm năng với nửa triệu gói mì và "tẩu tán" chúng với phông nền Việt Nam. Những người dân địa phương đã nhanh chóng yêu thích chúng và ông Vượng trở thành vua chế biến thực phẩm của Ukraina. Đến năm 2010, ông bán lại công ty của mình với giá 150 triệu USD. Lúc ấy nó có doanh thu ước tính lên tới 100 triệu USD.

Trong nhiều năm, ông Vượng chuyển dần lượng tiền kiếm được ở xứ người về đầu tư cho các dự án ở quê hương. Địa điểm đầu tiên mà ông chọn là Nha Trang với ý tưởng biến hòn đảo nhỏ gần biển thành trung tâm nghỉ mát sang trọng. Và thế là Vinpearl Resort Nha Trang ra đời với 225 phòng khách sạn.

Thành công bước đầu này tiếp tục mở ra những thắng lợi tiếp theo cho Phạm Nhật Vượng. Sau một năm, ông khai trương trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu - tổ hợp thương mại lớn đầu tiên ở Hà Nội. Ba năm sau, ông tiếp tục bổ sung thêm 260 phòng nữa tại Vinpearl và lắp đường cáp treo xuyên biển nổi tiếng.

Chưa hết, dự án Vincom Village với hàng trăm biệt thự cao cấp cũng gây nhiều tiếng vang. Trong đó, Vincom bao gồm các lợi ích thương mại và bất động sản của ông đã lên sàn chứng khoán từ năm 2007. Trong khi Vinpearl vẫn được duy trì như một công ty riêng biệt kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng sang trọng. Năm ngoái, ông Vượng đã quyết định sáp nhập hai công ty này thành Vingroup.

 

Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về tiền bạc, hình ảnh về Phạm Nhật Vượng cũng ngày càng trở nên nổi tiếng hơn. Thói quen của ông vẫn khá bình dị và đơn giản với biệt thự ở Vincom Village, một chiếc Bentley, làm từ thiện và xem phim hành động cùng những kỳ nghỉ ở Nha Trang.

Nhưng cũng như những tỷ phú ở Đông Âu, hình ảnh của ông cũng đầy rẫy những lời đồn đoán về sự mờ ám liên quan đến tiền bạc: "Theo tin đồn, tôi đã chết 4 lần trong năm qua. Đầu tiên là một kẻ giết người đã bắn chết tôi ở Moscow. Câu chuyện thứ hai là tôi đến Moscow và bị mafia Nga xử lý. Chuyện thứ ba là tôi bị bắn ở Ukraina và thậm chí khi tôi không thăm Moscow hay Ukraina năm ngoái, tôi đã bị chết vì bệnh ung thư. Vì vậy, tôi chỉ tập trung vào những gì mình làm", ông Vượng nhún vai.

Theo thống kê, Vingroup hiện nay có tới 31 dự án bất động sản: 12 đã hoàn thành, 3 đang xây và số còn lại đang chờ quy hoạch. "Vingroup ở một đẳng cấp của riêng họ", ông Marc Townsend, giám đốc của CBRE nhận định: "Họ đang xây những dự án lớn nhất đất nước, họ luôn tìm kiếm những ý tưởng mới hứa hẹn, tài năng và tình huống khó khăn nhất. Hầu hết mọi người đã dừng lại ở lĩnh vực này, song Vingroup thì không".

Bí mật của ông Vượng nằm ở việc tập trung vào những con người giống ông: những con người của thế hệ mới, muốn sống tốt hơn cha mẹ của họ. Đó là 60% dưới 40 tuổi của 92 triệu dân trên đất nước.

Ông không chỉ xây những khu nhà, biệt thự mà còn kèm với đó là cả bệnh viện, văn phòng, trung tâm mua sắm và các dịch vụ hỗ trợ. Và trong khi bất động sản luôn gặp khó với bài toán tiến độ, Vincom Center A của ông đã hoàn thiện chỉ trong 19 tháng.

Năm 2012, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đối mặt với nợ xấu và triển vọng bán hàng nghèo nàn. Vingroup đã đạt doanh số bán hàng và tiền bán hàng 1,7 tỷ USD. Hiệu suất đó cho phép ông Vượng huy động khoảng 300 triệu USD trái phiếu quốc tế, mặc dù Credit Suisse đã tỏ ra nghi ngờ con số này. "Họ đã thuê luật sư và kiểm toán viên để kiểm tra", bà Lê Thị Thu Thủy, giám đốc điều hành của Vingroup cho hay. "Chúng tôi đã đưa cho họ báo cáo ngân hàng của mình và cho họ tiếp xúc với khách hàng".

 

Các nguồn tài chính từ nước ngoài đã giúp ích rất lớn. Nhất là ở một nơi có thị trường chứng khoán kỳ lạ như Việt Nam, khi mà người dân tránh xa cổ phiếu trong một thời gian dài, bất chấp việc ông Vượng nổi lên như người giàu nhất đất nước.Thậm chí, một số công ty chứng khoán còn không mặn mà với cổ phiếu của công ty: "Chúng tôi chỉ đơn giản là không thích một công ty liên tục gây quỹ và gánh nợ trong hai đến ba năm liên tiếp", ông Phạm Trường Sơn, giám đốc đầu tư tại Chứng khoán Sài Gòn chia sẻ.

Sự kỳ lạ này khiến cổ phiếu của Vingroup đôi khi không gắn với tình trạng của công ty - do đang gánh khoản nợ 1 tỷ USD. Hiện ông Phạm Nhật Vượng đang trong quá trình huy động tiền từ các "nhà đầu tư chiến lược" mà mục tiêu cuối cùng là niêm yết cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán Singapore với sự phản ánh đúng mực hơn và cũng đại diện cho một kỷ lục mới: "công ty Việt Nam đầu tiên được niêm yết ở nước ngoài".

Cuối cùng, ông Vượng hiểu rõ những thành tựu như vậy sẽ là di sản của ông trong thời kỳ đất nước đổi mới, từ ngày mẹ ông vẫn còn phải bán trà ở vỉa hè.Ông ước mơ biến Hà Nội và Sài Gòn thành điều gì đó tương tự như Singapore hay Hong Kong: "Nếu tôi có thể thực hiện nó, cho dù nó khiến tôi mất một vài tỷ USD, tôi vẫn sẽ rất hạnh phúc. Tôi sẽ để lại thứ gì đó - bạn không thể mang theo tiền khi đã chết".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại