Hơn hai mươi năm về trước, Lý Quí Trung khởi nghiệp ở một xuất phát điểm không hơn gì ai – phục vụ bàn ở khách sạn Đệ Nhất (TP.HCM).
Hồi đó, Lý Quí Trung không chủ định chọn công việc này, nhưng sau khi thi trượt Đại học Tổng hợp Ngoại ngữ thì anh buộc phải đi làm để tự trang trải cho cuộc sống của mình.
Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời của chàng trai họ Lý xảy ra vào năm
1991, khi ấy một người bạn ở Úc đã đề nghị sẽ bảo lãnh cho anh
sang học.
Doanh nhân Lý Quí Trung
Trở về nước sau 6 năm học tập tại Úc, Lý Quí Trung được mời làm Phó Tổng giám đốc Công ty Sản xuất thực phẩm TECA World, một liên doanh giữa Bộ Quốc phòng và Hồng Kông.
Một năm sau, Chủ tịch HĐQT Khách sạn Saigon Star cũng là người Hồng Kông đã đề nghị anh đảm nhiệm vai trò điều hành. Lúc ấy, kinh tế châu Á đang ở giai đoạn khủng hoảng, vì thế việc tiếp nhận vai trò điều hành Saigon Star nghĩa là phải chịu rất nhiều áp lực. Lý Quí Trung biết điều đó và anh nhận lời vì muốn được thử thách trong môi trường khắc nghiệt ấy.
Trong thời gian điều hành hệ thống nhà hàng Nam An, Lý Quí Trung cùng với gia đình đã nảy ra ý tưởng kinh doanh phở - một món ăn rất quen thuộc của người Việt Nam và được nhiều du khách nước ngoài yêu thích. Nhưng chính vì món ăn này đã quá quen thuộc với người Việt, nên việc tạo nên thương hiệu chính là khó khăn lớn nhất.
Lý Quí Trung nghĩ về điều đó và tạo nên sự khác biệt nhờ 24 gia vị khác nhau trong một tô phở đi kèm với các giá trị dịch vụ, đó là giá bán – phong cách phục vụ cho tới chất lượng của bát phở ở tất cả các cửa hàng trong chuỗi Phở 24 đều phải giống nhau.
Những tính toán ấy của Lý Quí Trung đã phát huy hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của những người lạc quan nhất trong giới kinh doanh ẩm thực. Ở Việt Nam, Phở 24 đã có một hệ thống khá lớn với hơn 60 cửa hàng (một phần trong số đó đã nhượng quyền thương hiệu) – là chuỗi cửa hàng lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ đứng sau KFC.
Không những thế, Phở 24 còn có 17 cửa hàng được nhượng quyền thương hiệu ở Úc, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Indonesia, Philipines, Campuchia...
Theo GDVN