Cho vay 2 tỷ đồng mua nhà: Giúp người giàu hay giúp người nghèo?

Đa số công chức, viên chức sẽ rất khó tiếp cận gói hỗ trợ này từ chính rào cản về điều kiện vay cũng như lãi suất.

Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu gói tín dụng cho cán bộ, công chức, viên chức… có thu nhập khá vay tiền mua nhà, nhiều người đã lên tiếng về tính khả thi của chủ trương này.

Rào cản lớn

Ra trường đã hơn 5 năm, cả hai vợ chồng anh Nguyễn Hùng, ngụ huyện Bình Chánh đều là viên chức nhà nước với tổng thu nhập (gồm cả làm thêm ngoài giờ) vào khoảng 15 triệu đồng. Đang có nhu cầu để mua nhà ở, anh Hùng rất quan tâm đến các gói hỗ trợ mua nhà như gói 30.000 tỷ đồng trước đây.

Gần đây, thông tin Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu gói tín dụng cho cán bộ, công chức, viên chức…được vay tới 2 tỷ đồng để mua nhà cũng nằm trong sự quan tâm của anh. Tuy nhiên, cũng như nhiều cán bộ, công chức viên chức khác, điều anh Hùng băn khoăn là mình khó có thể tiếp cận gói tín dụng này.

“Với một người mới ra trường và đi làm khoảng 5 năm như chúng tôi, nếu điều kiện đưa ra là tổng thu nhập từ 25 triệu/tháng mới được tiếp cận gói 2 tỷ thì thực sự rất khó tiếp cận. Vì thế, tôi nghĩ gói này không giải quyết được vấn đề đối với người có thu nhập thấp như công chức nhà nước”, anh Hùng bày tỏ.

Trong thực tế, nhu cầu nhà ở thương mại với diện tích lớn hơn nhà ở xã hội đang khá lớn, bởi nhiều gia đình có nhu cầu nhà ở cho nhiều thế hệ chứ không chỉ riêng cho cặp vợ chồng. Nhưng để tiếp cận gói tín dụng này, với điều kiện thu nhập 25 triệu đồng/tháng trở lên lại là một rào cản lớn.

Ai cũng hiểu, nhà thì cần thật, rất cần, nhưng tiền làm ra không chỉ để dành hết cho việc trả tiền nhà mà còn phải chi cho rất nhiều phí sinh hoạt khác. Vì vậy nếu khách hàng là những người có nhu cầu mua nhà diện tích rộng khi thấy gói tín dụng này (nếu có) sẽ không khả thi.

Trong khi đó, chính đại diện của nhiều ngân hàng đã cho biết, gói tín dụng này không khả thi. Nếu áp dụng mức lãi suất cố định như công bố là từ 6-7,5%/năm thì khó có ngân hàng thương mại nào dám thực hiện khi không có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước vì rủi ro cao. Chắc chắn, nếu như mức lãi suất cố định này được giữ trong 10 năm, thì không ngân hàng nào tham gia.

Hơn nữa, quy định này cũng không thực tế, vì không có Ngân hàng thương mại nào áp dụng mức lãi suất cố định trong thời gian dài như thế khi mà bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn như hiện nay. Ngược lại, nếu thả nổi lãi suất, điều chỉnh theo từng thời điểm, thì người có nhu cầu mua nhà lại không dám vay bởi những rủi ro phát sinh.

Chị Trần Thị Bích, nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không có hỗ trợ các ngân hàng thương mại đối với gói tín dụng này sẽ rất khó áp dụng trong thực tế.

“Lãi suất của gói này tầm 6.5%/năm trong khi các ngân hàng hiện nay đã huy động có kỳ hạn lãi suất ở mức 6%/ năm. Nếu như vậy, các ngân hàng không đảm bảo hiệu quả hoạt động nên gói này chỉ áp dụng được trong thực tế khi Chính phủ có hỗ trợ với một mức lợi nhuận hợp lý cho các ngân hàng thương mại”, chị Bích chia sẻ.

Không đúng mục đích

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM thì lại cho rằng, gói tín dụng này không có giá trị về mặt xã hội khi nó chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ những người có tiền. Trong khi gói 30.000 tỷ đồng đang bắt đầu phát huy tác dụng, thì việc tung ra một gói tín dụng này lại là rào cản, dễ gây ra nhiều sự hiểu lầm, chồng chéo trong quản lý…

Ông Đực nêu ý kiến, thay vì cho một công chức, viên chức vay 2 tỷ đồng, Nhà nước có thể cho 4 người vay 500 triệu đồng để chia nhỏ rủi ro và dễ tiếp cận cho người thực sự cần.

“Làm một phép tính đơn giản, nếu vay 1 tỷ đồng trong gói này, mỗi tháng, người vay phải trả ngân hàng khoảng 14 triệu đồng. Vợ chồng là cán bộ công chức, viên chức khó mà có thể trả nổi”, ông Đực chỉ rõ.

Ông Nguyễn Văn Đực còn nghi ngờ mục đích của gói tín dụng này khi cho rằng, đây có thể là cách để giải phóng các căn hộ cao cấp đã trở thành hàng tồn, nợ xấu bấy lây nay.

“Chỉ cần điều chỉnh lại và vực dậy gói 30.000 tỷ mà không phải mở thêm gói 2 tỷ bởi đối tượng vay là những người thực sự có nhu cầu, còn những ai vay có thể vay 2 tỷ đồng để mua nhà là những người đã có tiền rồi. Nếu áp dụng gói này thì vô hình chúng ta giúp người giàu chứ không giúp người nghèo”, ông Đực nêu ý kiến.

Mỗi gói tín dụng khi đưa ra đều xuất phát từ sự quan tâm của Chính phủ đối với mỗi người dân. Thiết nghĩ, để phù hợp với nhu cầu cấp thiết của mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần tham khảo, tìm hiểu thực tế để có chính sách phù hợp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại