Chế biến hồng khô theo tuyệt chiêu của người Nhật

Kim Anh |

Người Nhật không sử dụng lò sấy như nước ta mà hong khô quả hồng bằng không khí.

Vừa qua, một số cán bộ kỹ thuật và nông dân TP Đà Lạt đã được tài trợ sang Iida (tỉnh Nagano thuộc miền trung Nhật Bản) để học về kỹ thuật chế biến hồng khô hoshigaki.

Anh Lê Tuấn Anh, chuyên viên Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, kỹ thuật chế biến hồng khô ở Iida hoàn toàn khác với cách làm truyền thống của Đà Lạt.

Trước tiên, người dân Iida chọn những quả hồng vỏ màu vàng cam, cứng chắc tay, không dập, không có vết côn trùng cắn, có một đoạn cuống dính liền với quả.

Sau đó rửa sạch quả hồng, gọt vỏ, xử lý nhiệt rồi treo trên dây thành chuỗi, hong gần một tháng.

Được hong trong nhà kính thoáng gió để không bị dính nước mưa và không bị ánh sáng trực tiếp chiếu rọi, quả hồng từ từ héo lại và sau vài ba tuần sẽ chuyển sang màu nâu.

Sản phẩm hồng khô theo phong cách Nhật Bản.
Sản phẩm hồng khô theo phong cách Nhật Bản.

Công đoạn cuối cùng là bỏ hồng vào rổ rồi xóc đều để quả lên men, sản sinh ra một lớp đường trắng bao phủ quanh trái. Nếu chế biến quy mô lớn thì cho hồng vào máy quay li tâm để quả mềm đều và lên men nhanh.

Với cách chế biến này, quả hồng mềm dẻo, vị ngọt đậm đà, có thể bảo quản trong thời gian dài, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Từ những nông dân được đi tập huấn ở Nhật như chị Trần Thúy Vân (xã Trạm Hành) và các anh Trần Quang Phi Phương (Phường 11), Nguyễn Trần Đức Toàn (xã Xuân Thọ), việc chế biến hồng theo mô hình của Iida dần lan sang một số hộ khác ở Đà Lạt.

Những hộ chưa có nhà kính thì tận dụng mái hiên, sân thượng có mái che để hong hồng. Hiện 1kg hồng khô sấy bằng lò theo cách truyền thống có giá từ 100.000 -120.000 đồng, trong khi hồng khô theo mô hình của Nhật giá cao gấp đôi mà cung vẫn không đủ cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại