Xuân Thái là xã miền núi của huyện Như Thanh. Một trong những nguyên
nhân khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn đó là thiếu đất
sản xuất.
Đáng nói, đồng bào định cư đã lâu năm, nhưng do hệ
lụy của sự chồng lấn quản lý đất rừng của các đơn vị ở khu vực này kéo
dài khiến nhiều người dân “vô sản” ngay trên chính mảnh đất mình sinh
sống.
Năm 2008, thực hiện quy hoạch lại 3 loại rừng, UBND xã
Xuân Thái cùng ngành chức năng của huyện, các chủ rừng xác định có 720
ha đất lâm nghiệp thuộc địa giới hành chính của UBND xã Xuân Thái.
Đây là diện tích chưa được quản lý trên hồ sơ địa chính cũng như trong hồ sơ quản lý đất lâm nghiệp của xã.
Số
diện tích này cơ bản đã được Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường
huyện Như Thanh ký hợp đồng cho 24 hộ, cá nhân (không phải người sinh
sống ở xã Xuân Thái) thuê đất để sản xuất lâm nghiệp từ tháng 8-2010.
Ông Chu Văn Toán- Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, nói: “Việc chậm giao đất và sổ đỏ cho dân là do sự lúng túng trong tổ chức, thực hiện. Việc tham mưu với huyện Như Thanh để 24 hộ dân không phải người địa phương ký hợp đồng thuê đất là vì vị trí này cách xa khu dân cư, việc quản lý bảo vệ rất khó khăn...”.
Theo bản kết luận nội dung tố cáo do ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, vừa ký, có tới 564 sổ đỏ đang lưu tại xã không cấp được cho dân là do việc tham mưu không chính xác về diện tích, chưa có số liệu đo đạc địa chính mà đã lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Cũng theo kết luận này, cơ quan chức năng đã làm thủ tục, cấp sổ đỏ, kê khai diện tích đất trong sổ mục kê và hợp đồng thuê đất cho các đối tượng chưa đủ tuổi như: Quách Văn Học (dưới 10 tuổi), Quách Thị Quỳnh (tại thời điểm năm 2007 là 12 tuổi), Quách Văn Học, Trần Thị Huyền Trang...
Trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Chu Văn Toán có nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai của ông là do chưa hiểu biết nhiều về luật đất đai.