Các “cậu ấm, cô chiêu” nhà đại gia Việt có điểm gì giống nhau?

Ly Ly |

Lắm tiền, nhiều của nên hầu hết, các “cậu ấm, cô chiêu” – con của các đại gia Việt đều từng được đi du học nước ngoài, có tài sản khổng lồ, kế nghiệp gia đình.

Du học ở các trường danh tiếng

Đường học vấn của con cái các đại gia Việt không giống nhau, nhưng có điểm chung khá thú vị là những ái nữ, thiếu gia thường chọn ngành kinh tế và đều được đào tạo tại các trường danh tiếng ở nước ngoài.

Chú tâm tới việc học của con cái, ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã gửi 3 người con của mình là Đoàn Hoàng Anh, Đoàn Hoàng Nam và Đoàn Hoàng Nam Anh sang học tập và làm việc ở Singapore.

Singapore cũng là điểm đến của bầu Hiển khi tìm nơi cho con du học. Cậu con trai cả Đỗ Quang Vinh của ông bầu nổi tiếng nhất nhì Việt Nam này đã có 3 năm học trung học tại Singapore.

Còn tiểu thư đầu tiên dành danh hiệu “nữ 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”, Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, con gái của CTHĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE Nguyễn Thị Mai Thanh lại “dùi mài kinh sử” tại Đại học Warwick, Anh.

Tiểu thư Nguyễn Ngọc Mỹ và Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh.
Tiểu thư Nguyễn Ngọc Mỹ và Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh.

Ngoài Singapore, Anh, nước Mỹ cũng là nơi lý tưởng để các “cậu ấm, cô chiêu”, con nhà đại gia Việt lựa chọn.

Con trai của đại gia ngân hàng Trần Mộng Hùng, ông Trần Hùng Huy, hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB, đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) năm 2002.

Năm 14 tuổi, Nguyễn Ngọc Mỹ, con gái rượu của đại gia Nguyễn Tuấn Hải, ông chủ Alphanam được cha mẹ đưa sang Mỹ học trung học tại một trường dòng ở thị trấn nhỏ.

Còn con gái 8X của ông chủ Tân Hiệp Phát - Trần Quý Thanh có tên Trần Uyên Phương cũng hoàn tất khóa học ba năm về quản lý cấp cao tại trường Đại học Harvard ở Mỹ vào năm 2014.

Kế nghiệp gia đình

Đặc điểm chung của thế hệ thứ hai trong gia đình kinh doanh là được đặt vào vị trí điều hành một sự nghiệp kinh doanh do thế hệ thứ nhất xây dựng nên, thông thường đã tương đối vững chãi.

“Tre già, măng mọc”, con cái kế nghiệp bố mẹ là trách nhiệm của thế hệ đi sau và cũng là truyền thống của hầu hết các gia đình đại gia Việt.

Doanh nhân 8X Đoàn Quốc Huy, phó tổng giám đốc của BIM, nổi danh trên thương trường, bởi ông là người kế nhiệm xứng đáng vị trí đầu tàu tại tập đoàn của đại gia Đoàn Quốc Việt.

Tốt nghiệp loại giỏi về tài chính bất động sản tại trường Đại học Nam California (Mỹ), Đoàn Quốc Huy về đầu quân cho BIM ngay khi mới 22 tuổi.

Anh đảm nhận chức vụ đầu tiên tại công ty cổ phần Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam - một thành viên của BIM, đưa doanh nghiệp này là một trong những công ty bất động sản có tiếng ở Việt Nam, với tổng vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng.

Nói về việc kế nghiệp bố, Đoàn Quốc Huy tâm sự trên Forbes Việt Nam: “Đối với tôi thì điều này vừa là một lợi thế lại vừa có sự áp lực.

Lợi thế của tôi là được học hỏi lại từ bố tôi những kinh nghiệm trong kinh doanh mà ông đã dày công gây dựng.

Đối với tôi, bố vừa là bố vừa là một người thầy. Ngay từ nhỏ, bố đi công tác thường cho tôi đi theo.

Những năm tháng cắp cặp cho bố chính là những kiến thức thực tiễn quý báu nhất mà tôi có, để từ đó tôi có thể tự tin bước chân vào công ty và tiếp nhận các công việc kinh doanh của gia đình”.

Quý tử nhà đại gia Việt: Đoàn Quốc Huy và Nguyễn Quốc Cường.

Quý tử nhà đại gia Việt: Ông Đoàn Quốc Huy và ông Nguyễn Quốc Cường.

Nguyễn Quốc Cường (biệt danh Cường Đôla), con trai của nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) tiếp quản công việc của mẹ với vai trò là Phó Tổng Giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ của Cường đô la là mở một hãng ô tô hay một cái gì đó liên quan đến xe, tuy nhiên, sau khi gắn bó với Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai 10 năm, anh đã yêu công việc này lúc nào không hay.

“Trong quá trình tìm hiểu và bắt đầu làm việc cho đến lúc tiếp nhận là một khoảng thời gian dài chứ không phải chỉ đơn giản là được đặt ngồi vào vị trí đó.

Vấn đề sau khi cổ phần hóa thì cái khó khăn nhất là tiếp nhận mô hình đại chúng như thế nào để vấn đề nhân sự và phần thông tin về công ty không còn mang tính chất gia đình và ngày càng minh bạch hơn” – Cường Đôla chia sẻ chuyện kế nhiệm trên Forbes.

Ngoài những cái tên trên, còn có rất nhiều trường hợp con nhà đại gia khác cũng kế nghiệp bố mẹ như: Phạm Vân Anh, bà Đặng Huỳnh Ức My, bà Trầm Thuyết Kiều, bà Nguyễn Phương Anh, bà Trần Thị Quỳnh Ngọc…

Nắm trong tay tài sản khổng lồ

Là người kế cận, chèo lái doanh nghiệp đình đám, những ái nữ, quý tử, con nhà đại gia Việt đều là những doanh nhân thành đạt, hầu hết đều có tên trong danh sách những triệu phú đôla trẻ của sàn chứng khoán Việt.

Đặng Thành Duy (sinh năm 1984), hiện giữ chức Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS).

Ông Đặng Thành Duy là thế hệ kế cận của doanh nhân Đặng Phước Thành - người đã đưa Vinasun trở thành thương hiệu đình đám, cạnh tranh trực tiếp với ông lớn Mai Linh trong lĩnh vực vận tải.

Kể từ khi nắm quyền phó tổng phụ trách đối ngoại và phát triển của VNS vào năm 2012, doanh nhân 30 tuổi Đặng Thành Duy ngay lập tức lọt vào danh sách những triệu phú đô la trẻ nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo báo cáo quản trị của VNS, ông Duy đang sở hữu khoảng 5,5 triệu cổ phần tại Vinasun, có giá trị tương đương 244 tỷ đồng, tương ứng hơn 10 triệu USD.

những ái nữ, quý tử, con nhà đại gia Việt đều là những doanh nhân 8x thành đạt, hầu hết đều có tên trong danh sách những triệu phú đô la trẻ của sàn chứng khoán Việt: Đặng Thành Duy, Nguyễn Ngọc Thái Bình và Trần Thị Quỳnh Ngọc.

Ông Đặng Thành Duy, ông Nguyễn Ngọc Thái Bình và bà Trần Thị Quỳnh Ngọc.

Dù không sở hữu cổ phiếu nào tại Công ty công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), nhưng ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, con trai của CT REE vẫn có tên trong danh sách triệu phú chứng khoán Việt Nam, nhờ nắm giữ 2,5 triệu cổ phần tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.

Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, em gái Nguyễn Ngọc Thái Bình hiện đang sở hữu 3,16 triệu cổ phiếu tương ứng với 1,29% cổ phiếu REE.

So với đầu năm, tài sản của Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh tăng trên 23 tỷ đồng, đạt hơn 93 tỷ đồng (giá cổ phiếu là 29.700 đồng/cp).

Với trị giá cổ phiếu như hiện tại Nhất Hạnh được xem là một trong số ít những nhân vật thuộc thế hệ 9x có số tài sản khổng lồ.

Tại Nam Cường, lượng cổ phần phó Chủ tịch HĐQT Trần Thị Quỳnh Ngọc sở hữu lên tới 11,11%. Quy ra tiền mặt theo giá trị cổ phiếu, số tiền thuộc sở hữu của cô vào khoảng 500 tỷ đồng.

Tại tập đoàn Nam Cường, các cán bộ nhân viên tại đây đều ngầm hiểu, Ngọc chính là người thừa kế sản nghiệp của Nam Cường , do là con duy nhất của doanh nhân Trần Văn Cường và bà Lê Thị Thúy Ngà.

Tự lập bằng chính năng lực của mình

Dù xuất thân từ những gia đình giàu có, là "cậu ấm cô chiêu" nhưng họ không hề ỷ lại vào khối tài sản "kếch xù" của cha mẹ mà tự lực xây dựng sự nghiệp thành công bằng chính đôi tay và năng lực của mình.

Là con trai cả của gia đình đại gia Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc nhưng Chủ tịch công ty cổ phần Địa ốc Sacomreal (SCR), ông Đặng Hồng Anh đã có tới 16 năm lăn lộn trên thương trường.

Con đường lập nghiệp của doanh nhân này không bằng phẳng và được gây dựng từ chính nỗ lực của bản thân.

Năm 18 tuổi, ông Hồng Anh mở quán bánh canh cá tại trường học, rồi chuyển nghề bán cây cảnh, theo nghiệp vận động viên thành tích cao ở môn tennis, và sau đó tham gia vào việc kinh doanh của gia đình, từ mía đường, địa ốc tới ngân hàng.

Hiện tại, doanh nhân này vẫn giữ ghế Chủ tịch HĐQT công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), với mục tiêu duy trì và phát huy vị thế sẵn có trên thị trường bất động sản.

Dù là con của đại gia, nhưng các ái nữ, quý tử này đều tự lập vươn lên bằng chính năng lực của mình (Trong ảnh là Lê Thu Thủy, Đỗ Quang Vinh, Đặng Hồng Anh).

Dù là con của đại gia, nhưng các ái nữ, quý tử này đều tự lập vươn lên bằng chính năng lực của mình (Trong ảnh là bà Lê Thu Thủy, ông Đỗ Quang Vinh, ông Đặng Hồng Anh).

Mặc dù là ái nữ của người đàn bà quyền lực nhất SeABank, tốt nghiệp 2 trường đại học danh giá tại Mỹ nhưng bà Lê Thu Thủy không nhận được ưu ái của một người con nữ Chủ tịch - nữ tỷ phú Nguyễn Thị Nga.

Bởi khi trở về Việt Nam, nhận việc tại SeABank, bà Thủy làm việc với vai trò là nhân viên.

Sau 5 năm học việc tại SeABank, bà Thủy đã chủ trì viết đề án chiến lược phát triển Ngân hàng trình lên HĐQT.

Bên cạnh thế mạnh về công nghệ thông tin, bà Thủy đề cập đến 2 vấn đề thiết yếu khác là phát triển nhân lực và hệ thống khách hàng.

Bà Thủy cũng là người trực tiếp lên kế hoạch, kết nối và chỉ đạo triển khai việc phát triển hệ thống khách hàng lớn của SeABank. Và hiện tại, bà Thủy giữ chức vụ phó tổng giám đốc Ngân hàng SeABank.

Trường hợp của con trai ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)) cũng tương tự.

Được đánh giá là người nối nghiệp xứng đáng cho sản nghiệp của bầu Hiển nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, Đỗ Quang Vinh vào làm việc tại SHB không phải với tư cách con trai của Chủ tịch HĐQT, mà với tư cách của một nhân viên học việc.

Vinh làm vị trí chuyên viên kiểm toán nội bộ, và được luân chuyển qua nhiều phòng ban của ngân hàng để làm quen công việc.

Ngoài những đặc điểm trên, các ái nữ, quý tử của đại gia Việt trên,họ đều là những người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, tài năng và xinh đẹp, đồng thời là niềm tự hào của các ông bố, bà mẹ - những người giàu có và quyền lực vào bậc nhất Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại