Bầu Hiển nói gì về việc rút khỏi Bình An?

Vài ngày trước, thông tin ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) bất ngờ rút khỏi Hội đồng quản trị của Bianfishco (Thủy sản Bình An) đã gây xôn xao dư luận...

Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 2015, bầu Hiển bỗng dưng trở thành một cái tên “hot” trên các mặt báo với hàng loạt thông tin như: bầu Hiển muốn mua sân bay, bầu Hiển muốn đầu tư vào cảng biển, đầu tư vào ga Hà Nội,…

Riêng với Bianfishco, thương vụ ồn ào và tốn kém nhiều giấy mực suốt từ năm 2012, mới chỉ vừa kịp lắng xuống thì đã lại đã tạo nên một dư chấn mới.

Như vậy là chưa hết nhiệm kỳ 5 năm, chính xác chỉ sau 2 năm rưỡi tham gia tái cơ cấu Bình An, cá nhân bầu Hiển và Công ty này đã chính thức không còn liên quan với nhau.

Nhớ lại câu chuyện năm 2012, khi công ty cũ của đại gia một thời Diệu Hiền vướng phải hàng loạt những vụ kiện tụng từ phía nông dân, các đối tác làm ăn xiết nợ,… khiến cho Bianfishco lúc đó lâm vào cảnh vỡ nợ và mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên ngân hàng SHB của bầu Hiển đã xuất hiện đúng lúc, và được ví như "cứu tinh" của Bình An và người nông dân.

Khi đó, xuất hiện thông tin cho rằng SHB đã thâu tóm Bianfishco bằng việc đứng ra mua lại 50% cổ phần, thực chất thương vụ này là như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Quang Hiển: Thực ra, tôi đại diện SHB tham gia tái cơ cấu Bình An là do SHB nhận sáp nhập với Habubank.

Sau này mới bộc lộ ra rằng chỉ có 10% cổ phần của Bình An là do Habubank sở hữu, còn 50% số cổ phần là do khách hàng của Habubank (công ty Hồ Mây) cầm cố cổ phiếu của Bình An.

Khi SHB sáp nhập Habubank thì SHB cũng phải xử lý tất cả nợ xấu của Habubank, trong đó có nợ xấu của công ty Hồ Mây.

Như vậy, thực chất 50% cổ phần của Bình An là do khách hàng ủy quyền cho SHB đứng tên hộ chứ không thuộc sở hữu của SHB?

Đúng như vậy. SHB tham gia vào Bình An thực chất chỉ có 10%, còn 50% là do SHB được ủy quyền đứng ra xử lý nợ xấu cho công ty khách hàng của Habubank.

Việc này đã được báo cáo đầy đủ trong đề án sáp nhập, tái cấu trúc Bình An và đã được báo cáo lên Chính phủ, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.

Nhớ lại hồi cuối năm 2012, thực trạng của Bình An lúc đó thực sự rất “rối ren”…

Thứ nhất, bà Diệu Hiền nợ người nông dân, người ta quây nhà máy, quây kín nhà bà Diệu Hiền biểu tình tố cáo bà ta lừa đảo, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội.

Thứ hai, trước đó nhiều công ty cũng vào và hứa rằng sẽ tái cấu trúc, xong trả nợ cho người nông dân nhưng kéo dài đến 2-3 năm trời, người nông dân thực sự đã hết kiên nhẫn.

Lúc tôi vào đó là ngày 20/8/2012, chỉ còn 10 ngày nữa là ông Trí (chồng bà Diệu Hiền) đến hạn cam kết với người nông dân.

Theo đó nếu không trả được tiền cho nông dân thì phải giao nhà máy cho họ. Mà nếu phải giao nhà máy thì khả năng lớn sẽ "nát" công ty.

Họ lấy được gì thì họ lấy bởi vì người nông dân họ đâu có biết quản lý, có biết tái cấu trúc là gì đâu.

Người dân địa phương rất quan tâm tới vụ nợ nần của Bianfishco (năm 2012)
Người dân địa phương rất quan tâm tới vụ nợ nần của Bianfishco (năm 2012)

Dường như ông đã tốn rất nhiều công sức trong vụ này?

Nhớ lại khoảng thời gian đó, thực sự tôi rất “khổ”. Có những chuyện tôi chưa kể với ai, như chuyện thường xuyên phải họp kéo dài rất căng thẳng.

Có hôm đáp xuống sân bay lúc 3 giờ chiều là họp liên tục đến tận 1, 2 giờ sáng, đói quá anh em phải ra tận huyện để mua cái bánh mỳ ăn tạm.

Cái bánh mỳ nhiều mỡ và bì ở Hà Nội bình thường tôi không bao giờ ăn, trông thấy mỡ là sợ nhưng vào trong đấy đói quá là ăn hết.

Chuyện tái cấu trúc, nhà máy đang “be bét” như thế mà để dựng lại thì chỉ có tôi mới vào trực tiếp làm được vì trước đây tôi làm doanh nghiệp, làm sản xuất có kinh nghiệp rồi chứ cán bộ ngân hàng nói thật không ai làm được vì sản xuất nó khác hoàn toàn với ngân hàng.

Cụ thể ông đã làm gì khi đó?

Đứng trước thực trạng có thể nói là đường cùng của người nông dân và phá sản của nhà máy, và đặc biệt là tương lai của ngành thủy sản ở miền Tây, tôi đã quyết định đứng ra để đàm phán với các chủ nợ là các ngân hàng và các chủ nợ là doanh nghiệp, cá nhân.

Theo đó, SHB cho Bình An vay tiền để trả nợ cho nông dân và tái cấu trúc để nhà máy có thể tiếp tục sản xuất.

Sau 2 năm, Bình An đã ổn định sản xuất, trở lại xuất khẩu, không chỉ tạo được việc làm cho hơn 1.000 công nhân mà còn giúp hàng ngàn nông dân có đầu ra cho con cá.

Nói vậy, kết quả kinh doanh của Bình An trong năm vừa qua đã có tín hiệu khả quan?

Hết 2014, Bình An thực chất không lỗ nhưng lũy kế thì lỗ. Con số lỗ là do lãi suất của các ngân hàng cộng dồn lại.

Tuy nhiên, các ngân hàng và chủ nợ đã thống nhất khoanh nợ, không tính lãi, nhưng trên sổ sách công ty thì vẫn phải tính. Con số lỗ lũy kế này không phải riêng SHB mà có đến 7 – 8 Ngân hàng cùng gánh chịu.

Sau gần 3 năm tái cơ cấu dưới bàn tay của Bầu Hiển và SHB, hoạt động kinh doanh của Bình An đã được cải thiện đáng kể
Sau gần 3 năm tái cơ cấu dưới bàn tay của Bầu Hiển và SHB, hoạt động kinh doanh của Bình An đã được cải thiện đáng kể

Một vấn đề khác, số tiền Bình An đang vay các ngân hàng và các chủ nợ là khoảng 1.700 tỷ, SHB chiếm bao nhiêu % trong số đó? Theo ông khoản nợ này sẽ được giải quyết trong bao nhiêu năm?

Tôi nghĩ có lẽ phải cần 10 năm để xử lý số nợ này. Trong 1.700 tỷ đó SHB có nhận của Habubank 10% cổ phần là 50 tỷ và xử lý nợ xấu do khách hàng cũ của Habubank nhận cầm cố là 125 tỷ, còn lại của các ngân hàng khác.

Mới đây, ông và ông Nguyễn Văn Lê đã rút khỏi Hội đồng quản trị của Bình An, ông có thể cho biết lý do cụ thể?

Thực ra, nguyên nhân ở đây là do Thông tư 36 của NHNN áp dụng ngày 1 tháng 2 là không cho vay những đối tượng có liên quan.

Nếu tôi với anh Lê hiện là chủ tịch và tổng giám đốc SHB mà đồng thời là chủ tịch Bình An, tức là có liên quan thì SHB không thể cho Bình An vay được.

Do đó, tôi phải rút khỏi Bình An để SHB tiếp tục được cho vay.

Hiện giờ, SHB đang cho Bình An vay tổng cộng bao nhiêu?

Theo các hợp đồng, SHB cho Bình An vay để trả nợ nông dân là 261 tỷ, cho vay vốn lưu động để mua nguyên liệu khoảng hơn 100 tỷ, tổng cộng là gần 400 tỷ đồng.

Khi đọc báo cáo kiểm toán của Bình An, có một thông tin đáng quan tâm là kiểm toán loại trừ 1 số tài sản khó xác minh tính tồn tại, cụ thể là như thế nào thưa ông?

Trong kiểm toán tài sản Bình An, giá trị doanh nghiệp khoảng 1.700 tỷ nhưng có 1 số công nợ và tài sản thì kiểm toán loại trừ vì không có chứng từ đầy đủ để chứng minh.

Vì ngày trước bà Diệu Hiền quản lý công ty theo kiểu gia đình, kế toán thì không có sổ sách gì hết: mua ô tô không có chứng từ, không có phiếu chi, …

Nói về xe ô tô thì bà ấy mua rất nhiều: xe chở hàng, xe chở cá, rồi ô tô 5-7 chiếc toàn xe sang. Ngoài ra, bà Diệu Hiền đầu tư phải đến 200 tỷ tiền mua cây cảnh, rồi xây biệt thự,…

Vào bên trong nhà máy mà cứ như đi vào resort.

Vô tình đến Bình An và tham gia tái cấu trúc, theo ông đánh giá thì ngành này có tiềm năng không?

Tiềm năng chứ, bởi vì thế mạnh của Việt Nam là thủy sản, đặc biệt cá ba sa gần như độc quyền.

Kim ngạch xuất khẩu cá của Việt Nam là hơn 3 tỉ USD, đây thực sự là ngành mũi nhọn về kinh tế và thế mạnh của miền Tây.

Xin cảm ơn ông!

>>> Nội thất “khủng”, sofa tiền tỷ... đổ bộ thị trường Hà Nội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại