Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam (kỳ 1): Cơ hội và thách thức

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Dù được đánh giá là tiềm năng, với mức tăng trưởng cao qua các năm nhưng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức

Đông đảo và... hơn thế nữa

Chính thức được triển khai từ tháng 8/1996, cho tới nay, theo số liệu được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đưa ra, đến hết năm 2012 tổng số DN bảo hiểm trên thị trường Việt Nam là 57 doanh nghiệp, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 14 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm. 

Bên cạnh đó, hiện còn có 32 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (trong đó cấp phép mới 2 văn phòng đại diện, gia hạn hoạt động 6 văn phòng đại diện và đóng cửa 2 văn phòng đại diện).

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cũng theo các con số được thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2012 đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng 11,9% so với mức tăng 16,2% năm 2011. 

Trong các đơn vị kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hiện nay, hai nhân tố đứng đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn là Prudential Việt Nam với 34,3% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ hai với 29,6% thị phần, tiếp đến là Manulife 12,4%, AIA 7,6%, Dai-ichi 7,5%, ACE 5,5%. 

Năm 2012 cũng chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm gia tăng thị phần doanh thu khai thác mới. Tổng doanh thu khai thác mới cả năm 2012 ước đạt 5.208 tỷ đồng (trong đó hợp đồng bảo hiểm chính đạt 4.808 tỷ đồng), tăng 12,9%. 

Trong nhóm dẫn đầu, Bảo Việt Nhân thọ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới cao nhất, ước đạt khoảng 26,5%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường là 13,3%, nhờ đó thị phần doanh thu khai thác mới của Bảo Việt Nhân thọ tăng từ 22,3% năm 2011 lên 23,4% năm 2012... 

Cùng với tăng trưởng vẫn đạt tốc độ cao, bước sang năm 2013, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lại đón nhận thêm sự ra mắt của Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI - Sunlife vào tháng 3/2013.

Trao đổi với PV, ông Đặng Đình Chính, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cũng nhận định, trong năm 2013 sẽ có thêm ít nhất là 2 công ty bảo hiểm nhân thọ mới: 1 công ty 100% vốn của một tập đoàn tài chính ngân hàng Úc - tập đoàn này hiện đã có một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam (dự án công ty bảo hiểm nhân thọ đang được tập đoàn này triển khai) và 1 công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).

Tiềm năng đan xen thách thức

Mặc dù được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng với sự góp mặt đầy đủ các “anh tài” đến từ các châu lục: Á, Âu và Mỹ nhưng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn chứa đựng rất nhiều thách thức.

Một thách thức đầu tiên mà một số chuyên gia, khi trao đổi với PV đã nhấn mạnh, đó chính là tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến việc chi dùng cho vấn đề bảo hiểm của người dân bị giảm sút và  cũng khiến xuất hiện một số ý kiến cho rằng, mức độ hấp dẫn của thị trường không còn. Điều này được minh chứng rất rõ khi năm 2012 tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đạt mức 12% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số  20% như mong đợị.

"Thực tế hiện nay còn là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến. Thể hiện rõ nét nhất là mức phí bảo hiểm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau", ông Chính nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, thị trường cũng đón nhận những thông tin không vui khi tập đoàn HSBC rút khỏi Bảo Việt vừa qua, hay tập đoàn New York Life của Mỹ và Allianz của Pháp trước đó dừng hoạt động kinh doanh Bảo hiểm tại Việt Nam.

Cũng trong câu chuyện đó, dù AIA từng được ví von là viên ngọc đính trên vương miện của AIG  nhưng quyết định bán hết vốn tại AIA của Tập đoàn AIG trong thời gian qua cũng đồng nghĩa với việc AIG sẽ không còn liên quan gì đến thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Điều này, cũng lại càng đặt thêm ra nhiều câu hỏi đối với vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp, bởi thực tế, hiện nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có trăm kẻ bán nhưng chưa đến mức vạn người mua.

Bên cạnh đó, như chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định tại Hội nghị ngành Bảo hiểm năm 2013 do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 2/4/2013 tại Hà Nội thì: 

"Vấn đề chính của thị trường bảo hiểm hiện nay là do đầu tư không hiệu quả nên dẫn tới tình trạng mất an toàn, đầu tư không thu hồi được vốn, do đó, tới đây chúng ta phải xem xét phân loại đánh giá lại tiêu chí để có những biện pháp chấn chỉnh và cải thiện xếp hạng của doanh nghiệp bảo hiểm", ông Hà nói.

Và cũng như ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã thẳng thắn, qua công tác thanh kiểm tra phát hiện 100% DNBH đều vi phạm về hoa hồng và bồi thường, cá biệt có lúc thị trường “rối loạn”.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại