Bán ồ ạt “bò sữa nghìn tỉ” sẽ khiến thị trường bội thực

PV |

Chúng ta quen với thương hiệu Vinamilk, nhưng khi thoái vốn xong, bỗng một ngày thương hiệu này bị đổi tên, giá trị thương hiệu trở thành câu chuyện đáng suy ngẫm.

Đó là một trong những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội xung quanh câu chuyện thoái vốn Nhà nước của các doanh nghiệp.

Đồng ý với chủ trương thoái vốn của nhà nước (NN) vào các doanh nghiệp, ông Bùi Đức Thụ cho rằng là cần thiết và căn cứ vào Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì Chính phủ đã trình và Quốc hội đã chấp thuận, trong đó có nội dung đồng ý thoái vốn trong các doanh nghiệp.

Mặt khác, Luật quản lý nợ công quy định NN chỉ đầu tư một số lĩnh vực không trực tiếp đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Các quy định này là hợp lý vì phù hợp với bản chất chức năng của NN và NN chỉ đầu tư vào những lĩnh vực nào mà các thành phần kinh tế không đầu tư. NN đóng vai trò kiến tạo, chứ không làm thay doanh nghiệp.


Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (Lai Châu)

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (Lai Châu)

Theo ông Thụ, cần rà soát lại các khoản nợ để có lộ trình thoái vốn phù hợp, nếu chúng ta làm ồ ạt luôn một lúc thì dẫn đến bội thực thị trường và dẫn đến thiệt hại của NN, do vậy thời điểm thoái vốn, phương pháp, lộ trình, mức độ thoái vốn… cần phải có kế hoạch cụ thể.

Về nguyên tắc các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thì phải minh bạch, công khai.

Đối với doanh nghiệp chưa niêm yết cần phải công khai, tức là nên duy trì đấu giá vốn góp của NN trên thị trường để bảo đảm minh bạch, công bằng, lợi ích của NN không làm thất thoát vốn NN.

Tuy nhiên, ông Thụ cũng nhận định, việc thoái vốn hiện nay đang gặp khó khăn. Lý do ông đưa ra là, nhà đầu tư trong nước tiềm lực tài chính cũng có hạn thôi. Nếu chỉ khoanh lại nhà đầu tư trong nước thì giá chỉ ở mức độ thôi.

Nếu cho phép mở rộng đối tượng mua thì phải xem xét lại mức, giá đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu NN cần bán tăng lên thì giá cả nhà nước bán được mới tăng lên, khi đó mới bảo đảm hiệu quả việc thu hồi vốn NN sát thị trường.

Hơn thế nữa, câu chuyện giữ thương hiệu cũng là câu chuyện đáng bàn.

Chẳng hạn, chúng ta quen với thương hiệu Vinamilk là thương hiệu của doanh nghiệp có vốn nhà nước, bỗng một ngày thương hiệu này bị đổi tên, giá trị thương hiệu trở thành câu chuyện đáng suy ngẫm.

Bởi, trong kinh tế thị trường, thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đây là tài sản vô hình của doanh nghiệp.

Vừa qua, giá trị doanh nghiệp trước khi thoái vốn đã tính đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đó, nếu bán công khai cạnh tranh trên thị trường chứng khoản hoặc đấu giá rộng rãi thì phần vốn của doanh nghiệp đã được tính đến giá trị tài sản cũng như giá trị thương hiệu.

Còn sau khi bán cổ phần của NN cho các thành phần kinh tế thì tính đến việc duy trì thương hiệu đó thế nào, theo ông Thụ, đó là sức sống của thương hiệu phụ thuộc vào chính chất lượng hoạt động của doanh nghiệp đó, sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp đó cung ứng trên thị trường.

Thực tế, một doanh nghiệp có thương hiệu lớn, nổi tiếng nhưng sau một thời gian chất lượng hàng hóa không đảm bảo được thì thương hiệu, uy tín cũng mai một, cho nên việc duy trì thương hiệu, duy trì uy tín của hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đối với xã hội, thị trường phục thuộc vào chính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó, phụ thuộc vào chính chất lượng cũng như chi phí sản xuất của doanh nghiệp, phụ thuộc vào chủ sở hữu của doanh nghiệp đó, trong đó có các thành phần kinh tế nắm giữ phần vốn của doanh nghiệp đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại