Ba nguyên nhân khiến Sacombank báo lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV/2015

Trần Giang |

Sacombank bất ngờ thông báo lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV/2015 do chi phí trích lập dự phòng rủi ro bất ngờ tăng vọt lên 1.125 tỷ đồng. Đây là ngân hàng thứ hai sau Eximbank công bố lỗ trong hoạt động kinh doanh quý cuối của năm 2015.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2015.

Theo đó, thu nhập lãi thuần quý IV đạt 840 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước.

Quý IV/2014 thu nhập từ lãi thuần đạt 1.188 tỷ đồng. Tuy vậy, lũy kế cả năm thu nhập lãi thuần vẫn ổn định ở mức 6.278 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2014.

Lãi thuần từ dịch vụ quý IV đạt 288 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm đạt 999 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý IV lỗ 21 tỷ đồng và lỗ từ mua bán chứng khoán đầu tư là 56 tỷ đồng. Nhưng lãi từ hoạt động khác đạt 505 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Sacombank quý IV là 387 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ và cả năm giảm 10,5% xuống 3.403 tỷ đồng.

Tuy nhiên do dự phòng rủi ro quý cuối năm tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối năm 2015, tương đương dự phòng tăng gấp hơn 6 lần; và cả năm phần dự phòng cũng tăng gấp hơn 2 lần khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng quý IV, Sacombank lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận quý IV đạt 487 tỷ đồng trước thuế và sau thuế là 406 tỷ đồng.

Tuy vậy, lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ, vẫn vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (chỉ tiêu điều chỉnh sau khi nhận sáp nhập Southern Bank ở mức 1.002 tỷ trước thuế và sau thuế 782 tỷ đồng).

Như vậy, kết quả kinh doanh quý IV/2015 đã làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.

Giải trình cho lý do khiến ngân hàng bị lỗ trong quý IV, Sacombank cho biết có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là Thu nhập lãi thuần giảm 348,5 tỷ đồng do chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay tăng 1.153,1 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi của khách hàng tăng 96.332 tỷ đồng và lãi suất huy động cũng tăng lên chi phí trả lãi tăng 1.151 tỷ đồng; tiền vay tăng 533 tỷ đồng, chi phí trả lãi vay giảm 4,5 tỷ đồng; chi phí khác tăng 6 tỷ đồng.

Thu nhập lãi tăng 804,6 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay tăng 59.655 tỷ đồng và lãi suất cho vay cũng tăng nên thu nhập lãi vay tăng 872 tỷ đồng;

Tiền gửi đình kỳ tài các TCTD bình quân trong quý tăng so với cùng kỳ năm trước nên thu nhập lãi tiền gửi tăng 13,5 tỷ đồng;

Đầu tư chứng khoán nợ giảm 2.016 tỷ đồng nên thu lãi từ chứng khoán nợ giảm 79,2 tỷ đồng và thu nhập lãi khác giảm 2,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ 2 khiến Sacombank lỗ quý IV là thu nhập từ các hoạt động khác giảm 18,9 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ 3 là do chi từ các hoạt động khác tăng 622 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí dự phòng tín dụng tăng 938,1 tỷ đồng.

Ba nguyên nhân trên khiến Sacombank bị lỗ 989,4 tỷ đồng và làm cho lợi nhuận của ngân hàng trong quý IV giảm mạnh.

Đến cuối năm 2015, huy động vốn từ khách hàng của Sacombank đạt 259.427 tỷ đồng, tăng 59,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng 178.397 tỷ đồng, tăng 44,7%.

Nợ xấu của Sacombank cũng tăng từ 1,19% hồi đầu năm lên 1,87% vào cuối năm, trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 980 tỷ đồng từ cuối năm ngoái lên 3.029 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

Số lượng nhân viên Sacombank tăng mạnh từ 11.753 nhân viên từ cuối năm 2014 lên 15.505 nhân viên vào cuối năm 2015.

Cùng với số nhân viên tăng lên là khoản chi lương cho nhân viên cũng tăng lên từ 2.243 tỷ đồng quý IV/2014 lên 2.416 tỷ đồng trong quý IV/2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại