Cơ trưởng của chuyến bay định mệnh ấy là Lưu Kiến Trường, sinh năm 1972 ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Vượt qua những khó khăn của tuổi thơ, anh thành công thi đậu Học viện Quân sự và trở thành phi công của lực lượng Không quân Trung Quốc. Chính quá trình rèn luyện tại môi trường quân đội khắc nghiệt đã giúp anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm xử lý khi máy bay gặp sự cố.
Lưu Kiến Trường giải ngũ và gia nhập hãng hàng không Tứ Xuyên. Ông trở thành một trong những phi công quan trọng trên đường bay từ Trùng Khánh đến Lhasa, Tây Tạng. Chặng bay này rất khó khăn vì đi qua khu vực cao nguyên núi cao, địa hình hiểm trở.
Lúc 6:27 ngày 14/5/2018, cơ trưởng Lưu Kiến Trường và phi hành đoàn bắt đầu lộ trình từ Trùng Khánh đến Lhasa như thường lệ trên chuyến bay mã hiệu 3U8633 của hãng hàng không Tứ Xuyên. Thời tiết hôm đó rất đẹp, không mây nên phi hành đoàn nhanh chóng đạt được độ bay 10.000m. Tất cả thành viên tổ bay đều đã nghĩ đây là một chuyến bay suôn sẻ nhưng chỉ 40 phút sau khi cất cánh, tình huống bất ngờ đã xảy ra.
Trong khi Lưu Kiến Trường đang trò chuyện với cơ phó Từ Thụy Thần, kính chắn gió xuất hiện 1 vết nứt khiến Kiến Trường bất ngờ, ngay lập tức anh liên hệ với trung tâm điều hành mặt đất tại Thành Đô để xin hạ cánh. Nhưng ngay sau đó, cửa kính nhanh chóng vỡ tung, một nửa người cơ phó Từ Thụy Thần bị hút ra ngoài cửa sổ, may mắn có dây an toàn giữ lại.
Ảnh mô phỏng sự cố
Ngay lập tức, hầu hết các thiết bị vận hành tự động đều dừng hoạt động. Do mất áp suất trong buồng lái nên nhiệt độ giảm mạnh xuống âm 40°C. Thân máy bay khi này lắc lư liên tục, tình hình ngày càng tồi tệ, Cơ trưởng Lưu Kiến Trường quyết định phát tín hiệu cấp cứu và chuyển hướng đến sân bay Song Lưu - Thành Đô cách đó 150km.
Dưới cơn gió mạnh và nhiệt độ trong cabin giảm đột ngột, mọi thao tác của phi công đều vô cùng khó khăn. Tiếng ồn lớn khiến không thể nghe rõ đài tín hiệu, thân máy bay rung lắc khiến không thể nhìn rõ bảng đồng hồ. Trong điều kiện phức tạp đó, khi hệ thống lái tự động không còn hoạt động, Lưu Kiến Trường chỉ có thể dùng kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm để phán đoán, và nếu không cẩn thận, thảm kịch sẽ xảy ra.
Video buồng lái thời điểm xảy ra sự cố
Lưu Kiến Trường đã dựa vào kinh nghiệm hơn 100 chuyến bay trên tuyến đường này, cùng sự kiên trì chiếu đấu của các phi công Không quân để lật ngược tình thế ở độ cao 9.800m. Sau 2 lần giảm độ cao, máy bay đã chuyển hướng thành công đến sân bay Song Lưu, cứu sống 128 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay.
Sau sự việc, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) và chính quyền tỉnh Tứ Xuyên phối hợp tổ chức buổi tuyên dương, trao tặng cơ trưởng Lưu Kiến Trường danh hiệu “Cơ trưởng anh hùng hàng không dân dụng Trung Quốc" và thưởng 5 triệu NDT (khoảng hơn 17 tỷ đồng). Ngoài ra, anh còn giành được danh hiệu danh dự "Nhân vật của năm tại Trung Quốc năm 2018".
Các chuyên gia đánh giá việc hạ cánh thành công đó là do kinh nghiệm và phẩm chất tâm lý xuất sắc của Lưu Kiến Trường, nhưng thực tế, theo chính cơ trưởng, câu chuyện này cũng có rất nhiều yếu tố may mắn.
“Lúc đó, tôi cảm thấy rất sợ hãi, chỉ cần phạm một sai sót nhỏ nhất cũng sẽ khiến tất cả gặp nạn. Sau đó, đội điều tra đã mô phỏng vụ tai nạn 10 lần và gần như tất cả đều là va chạm, không có khả năng sống sót”, Kiến Trường chia sẻ.
Chân dung cơ trưởng Lưu Kiến Trường
Lưu Kiến Trường đã bay trở lại 6 tháng sau sự cố, tích cực tham gia hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 khó khăn. Năm 2019, Kiến Trường được điều chuyển từ Trùng Khánh đến Thành Đô và giữ chức phó tổng giám đốc bộ phận đào tạo của hãng hàng không Tứ Xuyên. Anh tập trung vào việc đào tạo và cố vấn cho các phi công trẻ, chuẩn bị cho họ cách xử lý các tình huống phức tạp.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân về việc hạ cánh thành công trong sự cố trước đó, anh đã thiết kế nhiều khóa đào tạo mô phỏng sự cố cho học viên. Ví dụ như hỏng thiết bị đột ngột, khủng hoảng tâm lý khi hành khách náo loạn… Dưới sự hướng dẫn của “cơ trưởng huyền thoại”, các học viên đã học được cách xử lý những tình huống bất ngờ, giữ vững tâm lý trước mọi sự cố. Anh đã thành công truyền lại trách nhiệm to lớn và tinh thần vững chắc cho thế hệ phi công mới.