Ngay trong năm đầu tiên về với Thaco, siêu thị Emart dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm 2 đại siêu thị Emart tại Sala - Thủ Thiêm vào tháng 10/2022 và Emart Phan Huy Ích - Gò Vấp vào tháng 12/2022. Hơn nữa, Thacocũng công bố kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động Emart tại Đồng Nai, Bình Dương và Tây Hồ Tây - Hà Nội trong năm 2023.
Trong khi trước đó, dưới trướng chủ đầu tư Hàn Quốc, dù hoạt động ổn định song bị vướng mắc và chưa thể mở thêm được siêu thị thứ hai như kế hoạch. Đến tháng 5/2021 (giữa tâm dịch Covid-19 bùng phát), Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) quyết định bán 100% cổ phần của Công ty Emart Việt Nam cho Ô tô Trường Hải (Thaco).
Emart cho biết quyết định bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc chính thức ra mắt vào tháng 12/2015 và mở cửa hàng đầu tiên tại Tp.HCM. Đại siêu thị đầu tiên được đặt tại Gò Vấp với quy mô tổng vốn đầu tư lên đến 60 triệu USD, Emart từng lên kế hoạch xúc tiến các thủ tục xây dựng một đại siêu thị thứ hai tại Tp.HCM. Tuy nhiên, từ đó đến cho đến nay, Emart chưa thể mở thêm siêu thị nào khác vì vấn đề chậm trễ trong phê duyệt các kế hoạch xây dựng.
Trong lần chia sẻ đầu tiên khi nhận lại Emart, Chủ tịch Thaco là ông Trần Bá Dương cho biết:
Số liệu chúng tôi có được cho thấy tình hình kinh doanh của Emart khá ổn định. Vận hành chỉ một đại siêu thị diện tích 3ha tại 366 Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, Emart đã nhanh chóng có lãi từ năm 2018, tức chỉ sau 2 năm ra mắt. Hiệu suất kinh doanh tính đến cuối năm 2020 đạt hơn 20%, hiểu nôm na với 100 đồng doanh thu thu về Công ty có lợi nhuận hơn 20 đồng.
Tính chung giai đoạn 2016-2020, doanh thu Emart đạt mức tăng trưởng bình quân 17%/năm, lợi nhuận gộp tăng mạnh với tốc độ 26%/năm. Tính đến cuối năm 2020, Emart có tổng tài sản là 2.823 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2019. Trong đó, tài sản vốn chủ yếu được đóng góp từ vốn với 2.628 tỷ đồng.
Dù chưa công bố số liệu cụ thể của năm 2021, tuy nhiên theo kế hoạch Thaco kỳ vọng: Năm 2021 siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020 và đóng góp khoảng 2,2% tổng doanh thu Tập đoàn.
Nhận định về ngành, ông Dương cho biết xu hướng hiện nay là phát triển các đại siêu thị, đặc biệt ở các tỉnh thành. Trong khi đó, sức ảnh hưởng của trung tâm thương mại sẽ nhỏ dần. Riêng Thaco, Tập đoàn đang theo đuổi mô hình "một điểm dừng, nhiều tiện ích".
Điểm dừng vừa là nơi để khách hàng mua và bảo dưỡng ôtô, trải nghiệm trung tâm hội nghị - tiệc cưới, các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà lẫn mua sắm các thực phẩm thiết yếu. Như vậy, dự tích hợp của đại siêu thị cùng với showroom ô tô và các dịch vụ thương mại khác sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng là mục tiêu hướng tới của Thaco.
Tập đoàn dự kiến sẽ nhân rộng được 10 siêu thị Emart đến năm 2025.