Kim tự tháp bị chôn vùi ở Indonesia có thể cổ xưa nhất thế giới

Hoàng Trang |

Niên đại của kim tự tháp lớn nằm ẩn dưới một ngọn đồi ở Indonesia vượt xa các di tích đá khác như Stonehenge hoặc Giza, thậm chí có thể là công trình cự thạch lâu đời nhất do con người xây dựng.

Kim tự tháp bị chôn vùi ở Indonesia có thể cổ xưa nhất thế giới - Ảnh 1.

Gunung Padang là công trình cự thạch lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Đó là Gunung Padang - sườn đồi nơi có các công trình kiến trúc bằng đá cổ nằm trên đảo Tây Java. Nơi đây rất linh thiêng đối với người dân địa phương. Họ gọi loại công trình này là “punden berundak”, nghĩa là kim tự tháp bậc thang, để chỉ các bậc thang dẫn lên đỉnh tháp.

Các nhà khảo cổ chưa thể khám phá hết bề mặt của địa điểm này, nhưng nó đã được coi là một bằng chứng nổi bật cho thấy bàn tay khéo léo của con người.

Gunung Padang có khả năng là cấu trúc kim tự tháp lâu đời nhất trên thế giới, được xây dựng trên đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt từ trước buổi bình minh của nền nông nghiệp hoặc nền văn minh như chúng ta đã biết.

Theo dữ liệu mới từ các nhà khoa học ở Indonesia, bên trong kim tự tháp rất có thể đang ẩn chứa những căn phòng chứa đầy những điều chưa từng được biết đến.

Một phân tích sâu rộng về Gunung Padang, có nghĩa là “ngọn núi giác ngộ” trong ngôn ngữ địa phương, đã gợi ý rõ ràng rằng một nền văn minh cổ đại đã điêu khắc tỉ mỉ ngọn đồi dung nham tự nhiên này trở thành lõi của một cấu trúc kim tự tháp.

Kim tự tháp bị chôn vùi ở Indonesia có thể cổ xưa nhất thế giới - Ảnh 2.

Ảnh: AFP

Kết quả xác định niên đại bằng carbon phóng xạ đầu tiên tại địa điểm này cho thấy công việc xây dựng ban đầu đã bắt đầu vào khoảng thời kỳ băng hà cuối cùng, tức hơn 16.000 - 27.000 năm trở về trước.

Để so sánh, quần thể đá khổng lồ Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện được coi là công trình cự thạch lâu đời nhất được biết đến trên thế giới. Nó có niên đại 11.000 năm.

Kết quả nghiên cứu mới đây về Gunung Padang được đưa ra sau nhiều năm phân tích cẩn thận. Từ năm 2011 đến năm 2015, nhóm chuyên gia khảo cổ, nhà địa chất và nhà địa vật lý - do nhà địa chất học Danny Hilman Natawidjaja tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia dẫn đầu - đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như khoan lõi, radar xuyên lòng đất và chụp ảnh dưới bề mặt để thăm dò khu di sản văn hóa Gunung Padang

Ông Natawidjaja cùng đồng nghiệp đã nhận ra rằng giống như nhiều cự thạch trước đây, Gunung Padang được xây dựng theo từng giai đoạn phức tạp và tinh xảo. Phần sâu nhất của cấu trúc này nằm cách mặt đất 30 mét.

Phần cốt lõi của cấu trúc này có lẽ được xây dựng trong khoảng năm 25.000 đến 14.000 trước Công nguyên, nhưng sau đó đã bị bỏ hoang trong vài thiên niên kỷ.

Nhóm nghiên cứu tin rằng những người xây dựng Gunung Padang chắc chắn phải sở hữu kỹ năng vượt trội, không phù hợp với các nền văn hóa săn bắt hái lượm truyền thống. Địa điểm này có tầm quan trọng đáng kể, liên tục thu hút người cổ đại tìm đến và cải tạo.

Cần phải khai quật thêm để hiểu những người tiền sử này là ai và tại sao họ lại xây dựng công trình này.

Khi các nhà nghiên cứu thăm dò bên trong sườn đồi bằng sóng địa chấn, họ tìm thấy bằng chứng về những hốc và căn phòng ẩn giấu, một số dài tới 15 mét với trần cao 10 mét.

Nhóm nghiên cứu hiện hy vọng có thể đi sâu vào những khu vực này. Nếu tìm thấy một căn phòng, họ dự định thả máy ảnh xuống để xem những gì ẩn giấu bên dưới.

Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành Archaeological Prospection. Nó chính là bằng chứng minh họa cách về tiếp cận toàn diện tích hợp các phương pháp khảo cổ, địa chất và địa vật lý để khám phá những cấu trúc cổ xưa rộng lớn và nằm khuất khỏi tầm nhìn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại