Hiện nay, người dân trên thế giới đang đi theo xu hướng ưa chuộng những ngôi nhà có kích thước nhỏ gọn mà vẫn đầy đủ, tiện nghi, một phần theo phong cách tối giản hóa.
Thế nhưng ít ai biết rằng trước đó, một kiến trúc sư tài hoa đến từ Trung Quốc đã cho ra đời thiết kế lỗi lạc để đời của mình: Căn hộ “biến hình” 24-trong-1.
Gary Chang tận hưởng căn hộ tiện nghi của mình
Gary Chang, 54 tuổi, nổi tiếng với nhiều dự án, kiến trúc trên toàn thế giới, nhưng có lẽ công trình kiến tạo nên tên tuổi của ông, đưa ông lên một nấc thang danh vọng mới là ngôi nhà riêng của mình tại Hồng Kông với diện tích hơn 100m2.
Thoạt tiên, “cơ ngơi” sáng sủa, thơ mộng tràn ngập ánh nắng mặt trời này khiến người ta hình dung ngay đến một studio tại gia.
Nhưng bí mật chỉ thực sự được bật mí khi Chang bắt đầu kéo những bức tường, vách và nội thất xung quanh, tạo nên một diện mạo mới hoàn toàn bất ngờ cho ngôi nhà với 24 phòng khác nhau, phục vụ hầu hết mọi nhu cầu từ đơn giản đến phức tạp, từ nhà bếp cho tới phòng giải trí tiêu khiển.
Với vị trí Chủ tịch sáng lập và quản lý Học viện Thiết kế Edge, thanh thế của Chang ngày một “nổi như cồn” trên thế giới khi báo Thời đại New York đích thân mời ông đến dự một buổi phỏng vấn vào năm 2009 về công trình độc nhất vô nhị của mình.
“Căn nhà biến hình” – hiểu nôm na đó là cái tên quen thuộc mà ông đặt cho nó. Đây cũng từng là tổ ấm thân thương của ông hồi năm 14 tuổi, sống cùng với bố mẹ và ba chị em gái.
Tọa lạc ở quận Sai Wan Ho thuộc Hồng Kông, căn hộ nằm trên tầng 17 của một tòa chung cư.
Theo The Tímes, Chang đã kịp thời nắm lấy thời cơ, bỏ ra 45.000 USD mua lại quyền sở hữu căn nhà đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ của mình vào năm 1988, sau đó quyết định tái xây dựng, thiết kế lại cấu trúc.
Kể từ đó tới nay, ít nhất 4 lần sửa đổi, cải tạo đã diễn ra, nhằm mục đích tạo nên một kết cấu hoàn hảo và lý tưởng nhất.
Nhưng bấy nhiêu mồ hôi, công sức và chất xám ấy quả thực đã không hề lãng phí với thành công rực rỡ, nổi bật, nhận được những nhận xét, đánh giá cao hàng đầu thế giới, cùng trị giá căn nhà lên đến 218.000 USD vào năm 2007.
Cấu tạo, cách bố trí của Chang vô cùng đa dạng và hợp lý: Phòng tắm với bồn tắm Duravit, phòng khách với bộ ghế đi-văng thanh lịch, và nhà bếp với đẩy đủ bồn rửa, dụng cụ nấu ăn, tủ lạnh…
Tất cả đều bắt nguồn từ những nhu cầu cơ bản, thiết yếu nhất trong cuộc sống. Đồng thời, điều thú vị mà Chang tiết lộ với The Times nằm ở việc buồng tắm cũng được tích hợp chế độ xông hơi, và toilet được thiết kế đặc biệt với công nghệ giữ nhiệt và vệ sinh được điều khiển từ xa.
Bên cạnh đó, sự tiện nghi còn đến từ căn phòng ngủ rộng rãi, phòng ăn đủ không gian cho 5 người và phòng chiếu phim với màn hình kép.
Thực tế, hầu hết mọi thao tác đều được tự động hóa và đồng bộ hoàn toàn qua sự kiểm soát của Chang từ thiết bị smartphone của mình.
Mặc dù phần lớn diện tích ngôi nhà đã được tận dụng cho những mục đích nhất định, được vận hành qua các bức tường vách di động linh hoạt, nhưng theo chia sẻ của Chang, tổng không gian chưa sử dụng vẫn lên đến gần 55m2, phân bố đều xung quanh, khiến cho ngôi nhà dường như trở nên rộng rãi, thoải mái hơn.
“Tôi chỉ cần kéo, thả và “trượt” qua lại,” trích lời của Chang trên The Times. “Điều quan trọng nhất là sự linh hoạt, cơ động và tối ưu hóa không gian đã ghim sâu vào tâm trí, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ giúp tôi hoàn thiện công trình này.”
Nếu cảm thấy thực sự ngưỡng mộ và đam mê trường phái kiến trúc của Gary Chang, video tham khảo dưới đây sẽ là gợi ý không tồi. Hoặc bạn có thể tìm đọc cuốn sách tâm huyết của ông “My 32m2 Apartment – A 30-years transformation”.
"Transformer Apartment" ngoài đời thật
Tham khảo: TechInsider