Vụ án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên chưa thể kết thúc?
Căn cứ các nội dung Quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao kiến nghị hủy bản án ly hôn của vợ chồng chủ tịch Trung Nguyên, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: “Thứ nhất, việc Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị hủy bản án ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thuộc thủ tục đặc biệt, xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao.
Theo Điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TAND Tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc đề nghị của Chánh án TAND Tối cao thì HĐTP TAND Tối cao xem xét lại quyết định đó.
Còn trong trường hợp có kiến nghị của VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo HĐTP TAND Tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.
Phiên họp của HĐTP TAND Tối cao xem xét kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao được tổ chức phải có sự tham dự của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Thứ hai, về thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao được quy đinh tại Điều 359 và Điều 360 BLTTDS 2015, vụ việc này sẽ được giải quyết như sau:
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao thì HĐTP TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản về thời gian mở phiên họp để xem xét kiến nghị cho Viện trưởng VKSND Tối cao.
HĐTP TAND Tối cao xem xét kiến nghị theo trình tự như sau: Chánh án TAND Tối cao tự mình hoặc phân công một thành viên HĐTP TAND Tối cao trình bày tóm tắt nội dung vụ án và quá trình giải quyết vụ án.
Viện trưởng VKSND Tối cao có kiến nghị xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao trình bày về nội dung kiến nghị, đề nghị, căn cứ của việc kiến nghị; phân tích, đánh giá các tình tiết của vụ án, chứng cứ cũ và chứng cứ mới bổ sung (nếu có) để làm rõ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quyết định của HĐTP TAND Tối cao hoặc những tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của HĐTP TAND Tối cao.
HĐTP TAND Tối cao thảo luận và biểu quyết theo đa số về việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao.
Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao thì HĐTP TAND Tối cao quyết định về việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao, đồng thời giao cho Chánh án TAND Tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ, báo cáo HĐTP TAND Tối cao xem xét, quyết định tại phiên họp xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao. Mọi diễn biến tại phiên họp xem xét kiến nghị và các quyết định được thông qua tại phiên họp phải được ghi vào biên bản phiên họp và lưu hồ sơ xem xét kiến nghị.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên họp này, HĐTP TAND Tối cao gửi cho Viện trưởng VKSND Tối cao văn bản thông báo về việc HĐTP TAND Tối cao nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị của VKSND Tối cao”.
“Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc khi có quyết định của HĐTP TAND Tối cao về việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao về kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao thì Chánh án TAND Tối cao tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp cần thiết.
Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm rõ có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của HĐTP TAND Tối cao.
Viện trưởng VKSND Tối cao phải tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Tối cao và phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của HĐTP TAND Tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án.
Ý kiến phát biểu của Viện trưởng VKSND Tối cao phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của Viện trưởng VKSND Tối cao và phải được gửi cho TAND Tối cao trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên họp.
Tại phiên họp xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao, sau khi nghe Chánh án TAND Tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng VKSND Tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham dự (nếu có) và khi xét thấy quyết định của HĐTP TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của HĐTP TAND Tối cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định thì tùy từng trường hợp, HĐTP TAND Tối cao quyết định như sau:
Hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án.
Hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TAND Tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý, gây thiệt hại cho đương sự; hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật.
Hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật. Quyết định của HĐTP TAND Tối cao phải được ít nhất ba phần tư (75%) tổng số thành viên của HĐTP TAND Tối cao biểu quyết tán thành.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày HĐTP TAND Tối cao ra quyết định quy định nêu trên, TAND Tối cao gửi quyết định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, VKSND Tối cao, TAND đã giải quyết vụ án và các đương sự".