Kiện đòi nàng dâu vàng cưới và xe SH

THU GIANG |

Vàng cưới gồm nhiều trang sức có giá trị như đôi bông tai bạch kim hột xoàn gần 60 triệu đồng, dây chuyền bạch kim hột xoàn gần 40 triệu đồng, lắc bạch kim…

Cưới nhau mới được hơn một tháng nhưng chung sống không hòa hợp nên nàng dâu bỏ về nhà cha mẹ ruột.

Người chồng nộp đơn yêu cầu được ly hôn và chia số vàng cưới. Mẹ chồng cũng có đơn yêu cầu nàng dâu trả lại chiếc xe SH, điện thoại cảm ứng và 150 triệu đồng trước đó đã cho vợ chồng con mượn để có vốn làm ăn.

Chia tay và đòi quà

Trong đơn ly hôn, anh T. ở phường 6, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre trình bày thông qua người mai mối anh và chị N. ngụ huyện Mỏ Cày Bắc quen nhau và tiến tới hôn nhân vào giữa tháng 11-2016.

Tuy nhiên, ngay sau đám cưới anh và chị phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng chung sống không hòa hợp. Vì thế góp gạo thổi cơm chung chỉ được hơn một tháng thì chị N. tự ý bỏ về nhà cha mẹ ruột sống.

Tuy nhiên, trong lúc bỏ đi chị N. đã mang toàn bộ tài sản chung của vợ chồng có được sau đám cưới về nhà cha mẹ ruột.

Do thấy tình cảm vợ chồng không thể duy trì nên anh T. mong muốn tòa giải quyết cho anh được ly hôn với chị N. Số tài sản chung mà chị N. mang theo được anh T. liệt kê cụ thể để yêu cầu tòa chia.

Cụ thể, số tài sản này gồm một đôi bông tai bạch kim hột xoàn trị giá gần 60 triệu đồng, một dây chuyền bạch kim hột xoàn gần 40 triệu đồng, một lắc bạch kim trị giá 7 triệu đồng, một nhẫn vàng 18K trị giá 7 triệu đồng.

Ngoài ra còn có một dây chuyền, một đôi bông tai, hai nhẫn cưới, một lắc tay với tổng giá trị 86 triệu đồng; một kiềng cổ một lượng vàng 24K, hai vòng đeo tay hai lượng vàng 24K, một nhẫn vàng 18K đính hột xoàn trị giá 6 triệu đồng.

Những tài sản giá trị trên là của cha mẹ anh cho vợ chồng anh khi kết hôn. Anh T. yêu cầu tòa chia cho mình được nhận 2/3 giá trị tài sản, chị N. nhận 1/3.

Những tài sản anh T. không yêu cầu tòa chia gồm đôi bông tai và nhẫn cưới vì hai người đều đang giữ một cặp. Về khoản nợ chung, anh và chị N. có mượn của mẹ anh là bà H. 150 triệu đồng để làm ăn.

Hiện chị N. đang giữ số tiền này nên anh T. yêu cầu chị N. có nghĩa vụ trả lại cho mẹ anh.

Bà H. cũng trình bày trong đơn yêu cầu độc lập rằng vào ngày 15-11-2016, bà có rút 150 triệu đồng trong ngân hàng cho anh T. và chị N. mượn để làm vốn kinh doanh.

Cùng thời điểm trên, bà có mua của em gái bà chiếc xe SH giá 80 triệu đồng nhưng do bận việc nên bà mới nhờ chị N. đứng tên đăng ký xe.

Ngoài ra, trong lúc bỏ về nhà mẹ ruột, chị N. còn lấy của bà một điện thoại cảm ứng Samsung trị giá 4,5 triệu đồng. Vì thế bà yêu cầu tòa tuyên buộc chị N. phải trả cho bà toàn bộ số tài sản trên.

Tòa: Phải trả một phần

Về phần mình, chị N. cũng đồng ý ly hôn với anh T. vì không còn tình cảm. Chị N. cũng thừa nhận khi bỏ về nhà mẹ ruột, chị có đem theo số tài sản như anh T. trình bày.

Nhưng đến thời điểm ly hôn chị chỉ còn giữ một dây chuyền, một lắc, một đôi bông tai, một nhẫn vàng, một kiềng vàng và không rõ trọng lượng bao nhiêu.

Số nữ trang còn lại do tức giận chị đã ném xuống sông Hàm Luông.

Giờ anh T. yêu cầu trả lại, chị đồng ý chia 50% giá trị tài sản còn lại nếu anh T. chứng minh được giá trị của các tài sản là bao nhiêu. Riêng nhẫn cưới và đôi bông tai, chị N. xin giữ lại để làm kỷ niệm.

Đối với số tiền 150 triệu đồng, chị N. cho rằng không mượn của bà H. Chiếc xe SH thì chị cho rằng do anh của chị mua cho, có làm giấy tờ đầy đủ. Đối với chiếc điện thoại Samsung là do bà H. mua cho, chị N. đồng ý trả 50% giá trị.

Quá trình giải quyết, anh T. cung cấp được các chứng từ mua bán vàng, trữ lượng số vàng nữ trang như anh kê khai. Bản thân chị N. cũng thống nhất với giá trị các loại tài sản trên.

Mới đây, khi xét xử sơ thẩm, TAND huyện Mỏ Cày Bắc công nhận sự thuận tình ly hôn của anh T. với chị N.

Về tài sản chung, HĐXX nhận định do số tài sản có nguồn gốc từ gia đình anh T. nên áp dụng điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình chia cho anh T. 60%, chị N. 40% giá trị.

Do thực tế chị N. đang quản lý số tài sản trên và một phần đã tự ý vứt bỏ nên chị N. phải có nghĩa vụ trả lại cho anh T. số tiền hơn 171 triệu đồng theo định giá tài sản.

Theo HĐXX, đối với chiếc xe SH, bà H. cho rằng bà đã bỏ tiền ra mua của em gái và nhờ chị N. đứng tên giùm. Tuy nhiên, bà H. không có tài liệu nào chứng minh còn chị N. thì phủ nhận lời trình bày này.

Theo tài liệu tòa thu thập từ Phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre thì giấy bán, cho, tặng xe ngày 15-11-2016 có chứng thực của UBND phường và chị N. là người đứng tên đăng ký.

Vì vậy yêu cầu đòi chiếc xe SH của bà H. đã không được chấp nhận.

Đối với số tiền 150 triệu đồng, bà H. và em gái bà H. cho rằng cho chị N. và anh T. mượn kinh doanh thông qua em gái bà H.

Tuy nhiên, bà H. và em gái mình không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì chứng minh trong khi chị N. thì không thừa nhận việc mượn tiền nên HĐXX không thể xem xét yêu cầu này.

Về chiếc điện thoại Samsung, tại tòa chị N. thừa nhận là của bà H. cho và đồng ý trả lại 50% giá trị.

Từ đó, HĐXX cho rằng chiếc điện thoại thuộc quyền sở hữu của bà H., chị N. có trách nhiệm giao lại cho bà H. giá trị chiếc điện thoại theo định giá là 4,5 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại