Chỉ đạo được đưa ra sau khi có thông tin phản ánh cầu này mới thông xe đã xuất hiện hiện tượng lún mặt cầu, ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi các phương tiện tham gia lưu thông trên cầu với tốc độ cao.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND Quảng Ninh chỉ đạo Sở GTVT Quảng Ninh khẩn trương yêu cầu nhà đầu tư, Công ty CP BOT Bạch Đằng chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường; nghiên cứu, đánh giá các yếu tố kỹ thuật của cầu, trắc dọc cầu, ổn định trụ tháp, ứng suất dây văng...
“Các đơn vị có giải pháp xử lý khắc phục để đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện tham gia lưu thông và an toàn công trình. Đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ đến các cơ quan truyền thông”, ông Thể yêu cầu.
Trước đó, đại diện Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cũng thừa nhận cầu Bạch Đằng có 4 điểm vênh tại 2 vị trí giữa cầu, điểm vênh lớn nhất lên tới 7cm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng, đây là hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm xảy ra khi thi công, không phải do khai thác bị lún võng.
Hiện tượng trên nhà đầu tư đã phát hiện trước thông xe, tuy nhiên, cầu Bạch Đằng là cầu dây văng, do nhiều đặc thù nên vẫn khai thác, trong thời gian đó theo dõi, tính toán bù vênh, có thể 2 -3 tháng tới.
Hiện tượng này, nhà đầu tư khẳng định, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của cầu, nhưng gây tình trạng không êm thuận khi chạy xe.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT, do UBND tỉnh Quảng Ninh là cấp quyết định đầu tư và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà đầu tư là Công ty CP BOT Bạch Đằng, được hình thành từ Liên danh nhà đầu tư BOT: Phúc Lộc – Cái Mép – Cường Thịnh Thi – Cienco1 – Trung Nam Group – Công Thành – Phương Thành – Tập đoàn SE Nhật Bản.
Cầu có tổng chiều dài 5,3 km, tổng vốn đầu tư 7.277 tỉ đồng, chính thức thông xe ngày 1/9/2018.
Nhà đầu tư tiến hành thu phí từ ngày 15/10, mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (xe con) và cao nhất là 180.000 đồng/lượt (xe tải).