Sau 30 năm kể từ khi nhận được giấy phép nhượng quyền thương hiệu từ 7-Eleven, CP All đã gây dựng được đế chế bán lẻ khổng lồ thị phần tại “Xứ sở chùa Vàng” với doanh thu từ riêng chuỗi cửa hàng này năm 2016 đạt gần 8,2 tỷ USD.
Sau sau nhiều đồn đoán cũng như các động thái tuyển nhân sự diễn ra hồi cuối năm ngoái đến nay, thương hiệu cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên cách đây vài ngày tại TP HCM.
Nhận nhượng quyền triển khai hệ thống 7-Eleven tại Việt Nam là công ty Seven System Việt Nam. Mục tiêu của đơn vị này phát triển được 100 cửa hàng sau ba năm và nhân lên 1.000 cửa hàng sau 10 năm bước vào thị trường Việt Nam.
Mặc dù chỉ mới xuất hiện nhưng tiềm năng của 7-Eleven là không thể phủ nhận nếu nhìn sang thị trường láng giềng Thái Lan. Khi mà 7-Eleven đã trở thành thương hiệu cửa hàng tiện lợi thống trị tại “xứ sở chùa vàng” sau gần 30 năm xuất hiện.
CP All – đơn vị nhận nhượng quyền 7-Eleven tại Thái Lan – giờ đây đã trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu lên đến 14 tỷ USD và vốn hóa thị trường hơn 16 tỷ USD, tức lớn hơn cả vốn hóa của 2 doanh nghiệp lớn nhất TTCK Việt Nam là Vinamilk và Vietcombank cộng lại.
CP All cũng chính là đơn vị thành viên của C.P Group, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất thế giới nằm dưới quyền kiểm soát của gia đình tỷ phú Dhanin Chearavanont.
Nhận nhượng quyền từ năm 1988, sau gần 30 năm, CP All đã biến 7-Eleven trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi thống trị tại Thái Lan, nắm trong tay 70% thị phần bán lẻ với trung bình khoảng 11,7 triệu lượt khách vào các cửa hàng 7-Eleven mỗi ngày.
Tính cuối năm 2016, CP All đã xây dựng được hệ thống 9.542 cửa hàng mang thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan, trong đó có 4.245 cửa hàng tại Bangkok (chiếm 44%) và 5.297 cửa hàng tại các khu vực khác.
Theo báo cáo tài chính của CP All, năm 2016, doanh nghiệp này đạt 14,2 tỷ USD doanh thu và 492 triệu USD lợi nhuận nhuận ròng trong năm 2016. Trong đó, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đóng góp hơn 8,2 tỷ USD, chiếm khoảng 57% doanh thu.
Hệ thống 7-Eleven của CP All chia làm 3 cấp cửa hàng gồm: cửa hàng 7-Eleven do chính CP All quản lý, đầu tư trực tiếp (Corporate Stores), cửa hàng nhượng quyền thương mại 7-Eleven (Franchise Stores) – hệ thống này sẽ hoạt thống theo mô hình nhượng quyền mà CP All đóng vai trò hỗ trợ chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh (thời hạn của hợp đồng nhượng quyền và lợi ích tùy thuộc vào loại hình) và các cửa hàng theo giấy phép (Sub-Area License Stores) – mô hình hoạt động theo vùng do bên thứ 3 vận hành, hiện được cấp phép cho Phuket, Yala, Chiang Mai và Ubon Ratchathani.
Trong tổng số hơn 9.500 cửa hàng 7-Eleven, hiện chỉ có gần 700 cửa hàng hoạt động theo mô hình Sub-Area License Store, còn lại số cửa hàng thuộc 2 mô hình đầu được chia đều mỗi mô loại hơn 4.000 cửa hàng tại Thái Lan.
Mục tiêu của CP All đến hết năm 2017 sẽ vượt mốc 10.000 cửa hàng 7-Eleven tại Thái Lan. Con số này cũng không phải không có căn cứ khi năm 2016 CP All đã khai trương thêm 710 cửa hàng. Với tiến độ như vậy, ước tính chỉ sau khoảng 8 tháng, kế hoạch trên sẽ đạt được.
Chiến lược của CP All
Kể từ khi nhận được giấy phép nhượng quyền từ 7-Eleven USA năm 1988 và cửa hàng đầu tiên vận hành vào năm 1989, phải mất 10 năm để CP All mở được 1.000 cửa hàng tại Thái Lan.
Tuy nhiên, chỉ mất 4 năm sau đó để số cửa hàng nhân đôi lên 2.000 và trung bình chỉ khoảng hơn 2 năm để 1.000 của hàng 7-Eleven được mở tại “xứ sở Chùa Vàng”. Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, số cửa hàng sẽ đạt con số 10.000.
Giống như tại nhiều quốc gia khác, 7-Eleven lấy lòng khách hàng bằng danh mục sản phẩm khổng lồ và dịch vụ “tận răng”, không chỉ phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng với các sản phẩm nhập khẩu, hoặc mang phong cách 7-Eleven, hệ thống này còn mang đến của những món ăn mang khẩu vị địa phương.
Theo Nikkei Asian Review, nếu có dịp bước vào cửa hàng 7-Eleven tại Bangkok bạn sẽ thấy có bán rất nhiều thức ăn, đồ uống và cả các dịch vụ khác. Các khách hàng có thể thanh toán hóa đơn và đặt vận chuyển hàng ngay tại đây.
Trong khi các cửa hàng 7-Eleven Nhật Bản cũng có những dịch vụ đi kèm này nhưng các cửa hàng ở Thái Lan còn để khách hàng… đặt cả vé máy bay.
Giống như nhiều nước khác, 7-Eleven tại Thái Lan cũng nhắm tới thu hút các tín đồ cà phê khi cung cấp cà phê với mức giá chỉ bằng 1/3 so với Starbucks.
Vài trăm cửa hàng của hệ thống này được trang bị máy pha cà phê và một số bán cả bánh ngọt mang thương hiệu của chính 7-Eleven hoặc nhập từ các cửa hàng khác – và điều này cũng là một nét mới mẻ so với mô hình tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, giới trẻ Thái Lan cũng “phát cuồng” với 7-Eleven không chỉ bởi lý do đơn giản là giá cả phải chăng mà các cửa hàng của họ đều sạch sẽ - không giống nhiều cửa hàng tiện lợi tương tự khác, theo nhận định của Nikkei Asia Review.
Ngoài chiến thuật thu hút khách hàng bằng đồ ăn, CP All cũng xây dựng mối quan hệ biểu tượng với những người bán hàng rong bên ngoài vỉa hè. Có rất nhiều người bán hàng rong ngay bên ngoài cửa các cửa hàng 7-Eleven.
Trợ lý Phó chủ tịch Banyat Kamnoonwatana nói họ rất cởi mở và thậm chí chào đón những người này. “Đó là mối quan hệ thể hiện sự thân thiện. Những người bán hàng rong là một phần trong cuộc sống của người Thái. Chúng tôi không muốn là người làm mất đi nét văn hóa tốt đẹp đó’.