"Kiểm soát Libya không dễ như Syria": Không tự lượng sức, Nga-Thổ chuốc thất bại?

Mạnh Kiên |

Nga-Thổ đang tiến hành "môi giới" ngừng bắn ở Libya, nhưng Moscow-Ankara cần phải hiểu rằng đây là cuộc chiến mà hai thế lực này không thể hoàn toàn kiểm soát.

Kiểm soát Libya không dễ như Syria: Không tự lượng sức, Nga-Thổ chuốc thất bại? - Ảnh 1.

Nga tuyên bố LNA sẵn sàng ký thỏa thuận ngừng bắn.

Hoài nghi về lệnh ngừng bắn

Điện Kremlin tuyên bố, các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về thỏa thuận ngừng bắn ở Libya. Tuy nhiên, tính khả thi của một thỏa thuận như vậy bị đặt dấu hỏi khi hai nước đang đứng ở hai bờ đối lập.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo sẵn sàng ký vào một văn bản ngừng bắn. Nga hy vọng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thuyết phục Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) tiến hành theo cách tương tự.

Các cuộc đàm phán cấp bộ đã diễn ra trong một khoảng thời gian, một số đã hoãn lại vào tháng trước do có những bất đồng. Samuel Ramani, nhà phân tích Trung Đông tại đại học Oxford, hoài nghi về khả năng lệnh ngừng bắn được kích hoạt.

"Chiến tranh Libya phức tạp hơn nhiều so với một cuộc chiến ủy nhiệm Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đơn thuần. UAE và Ai Cập sẽ do dự hơn so với Nga khi ký thỏa thuận hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ và có thể không coi lệnh ngừng bắn là đáng tin cậy", ông nói với Arab News.

Theo nhà phân tích Ramani, các hành động quân sự của tướng Haftar ở Libya có thể tiếp tục. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có lý do lớn để chống lại lệnh ngừng bắn vào thời điểm này và cũng đã leo thang căng thẳng với Pháp – thành viên NATO.

Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng mọi phạm vi ảnh hưởng ở Libya cần được vạch ra rõ ràng nhằm ngăn chặn một lệnh ngừng bắn thất bại khác.

Liên quan đến các lằn ranh đỏ của lệnh ngừng bắn, nhà phân tích Ramani cho rằng đóng băng các khu vực xung đột trong và xung quanh Sirte, Jufra do LNA nắm giữ là ưu tiên trước mắt.

Sirte mang tầm quan trọng chiến lược vì là thành phố nằm gần các nhà máy xuất khẩu năng lượng quan trọng trên bờ Địa Trung Hải. Trong khi đó, Jufra có một căn cứ quân sự chiến lược, nơi được cho là đang có sự hiện diện của máy bay Nga và lính đánh thuê của tập đoàn Wagner.

"Một sự leo thang từ hai phía trong các khu vực này sẽ là lằn ranh đỏ. Ngoài ra, cần có sự đảm bảo từ cả hai bên rằng họ sẽ không bắt đầu lại một cuộc chiến quy mô lớn nếu nhận ra đối thủ đang yếu thế hơn mình", chuyên gia Ramani nói.

Lo ngại về Thổ Nhĩ Kỳ

Aydin Sezer, một chuyên gia về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga , cho rằng Nga lo ngại sự hỗ trợ quân sự ngày càng tăng mà Thổ Nhĩ Kỳ dành cho GNA sẽ làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến.

"Ưu tiên duy nhất hiện nay đối với Nga là đạt được một nền hòa bình lâu dài thông qua thỏa thuận ngừng bắn bền vững. Pháp cũng có mục đích tương tự. Cả hai quốc gia này cũng đã trình vấn đề lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Các cuộc đàm phán ngừng bắn mới nhất cho thấy, Nga muốn để mở cánh cửa ngoại giao cho cả hai", ông nói với Arab News.

Kiểm soát Libya không dễ như Syria: Không tự lượng sức, Nga-Thổ chuốc thất bại? - Ảnh 2.

Đóng băng quân sự ở Sirte và Jufra là ưu tiên trước mắt.

Cuộc tấn công không xác định hôm 4/7 nhắm vào căn cứ không quân chiến lược Al-Watiya ở Libya đã làm hư hại các hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là nơi mà Ankara được cho là đang lên kế hoạch thiết lập sự hiện diện lâu dài. Vụ tấn công cũng diễn ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đến thăm Libya.

"Sau cuộc tấn công đó, Ankara cảm thấy bắt buộc phải thận trọng hơn nhiều đối với các nguy cơ mong manh ở Libya. Tình hình trên mặt đất rất phức tạp và thời gian không đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, ngừng bắn là cần thiết đối với Ankara hơn bao giờ hết", chuyên gia Sezer nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Wolfram Lacher từ viện An ninh và Quốc tế Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể nỗ lực "môi giới" ngừng bắn và từ đó trở thành hai thế lực chủ chốt ở Libya, nhưng không biết liệu lệnh ngừng bắn như vậy có thể thành công hay không.

"Diễn biến sau đó, Haftar có nhiều ưu thế hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ và GNA, vì ông ấy vẫn có thể dựa vào sự hỗ trợ của Ai Cập và UAE. Vì vậy, Haftar có thể từ chối các điều khoản của lệnh ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ", Lacher nói với Arab News.

Theo Lacher, các cường quốc khác bao gồm Mỹ, Pháp, Ai Cập và UAE muốn ngăn chặn một thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya và thay vào đó muốn các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

"Sự cạnh tranh về nền tảng thiết lập các cuộc đàm phán ngừng bắn cũng sẽ khiến cho bất kỳ sáng kiến nào trở nên khó khăn hơn", ông nói.

Mặt khác, Bill Park, giảng viên bộ môn Nghiên cứu Quốc phòng tại đại học King's London, cho rằng Moscow không thoải mái với những hệ lụy đến từ sự leo thang với Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya.

"Nga muốn thể hiện rằng có những giới hạn đối với những gì mà nước này có thể chấp nhận", ông nói với Arab News. "Ở giai đoạn này, Ankara nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong khi Nga phải đáp ứng những thách thức để có được một thỏa thuận và ứng phó trước sự thù địch giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại