Kiểm soát khí thải xe máy, cách nào?

Bài và ảnh: VĂN DUẨN |

Cho rằng đã đến lúc cần kiểm soát khí thải mô tô, xe máy, các chuyên gia đã đề xuất một số kịch bản, giải pháp

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung yêu cầu kiểm tra khí thải định kỳ đối với xe máy tại dự thảo Luật Đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì đã được chuyển sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo.

Những căn cứ thuyết phục

Trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an đưa ra quy định cụ thể hơn: Việc kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy được thực hiện tại các trạm kiểm định đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra khí thải; quy định trình tự, thủ tục đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho những trạm này.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, số lượng xe máy lưu hành trên địa bàn TP Hà Nội chiếm 84%, ở TP HCM chiếm 91% và ở TP Đà Nẵng chiếm 90% tổng phương tiện tham gia giao thông. Đáng chú ý, xe máy đã sử dụng trên 10 năm tại cả 3 thành phố này đều chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số xe trên địa bàn.

Kiểm soát khí thải xe máy, cách nào? - Ảnh 1.

Số lượng mô tô, xe máy đã qua sử dụng trên 10 năm tại các đô thị hiện rất lớn, cần có biện pháp kiểm soát phù hợp để bảo vệ môi trường, an toàn giao thông

Tại một hội thảo do Viện Khoa học Công nghệ GTVT - Bộ GTVT tổ chức mới đây, ThS Đinh Trọng Khang, đại diện nhóm nghiên cứu của viện này, cho biết sau khi bảo dưỡng, kết quả đo kiểm tra khí thải đối với xe máy cho thấy lượng phát thải giảm rõ rệt. Cụ thể, tỉ lệ phát thải vượt tiêu chuẩn ở TP Hà Nội giảm từ 54,2% xuống 9,54%; ở TP Đà Nẵng giảm từ 25,44% xuống 9,38% và TP HCM giảm từ 17,34% xuống 5,27%.

"Kết quả trên cho thấy việc bảo dưỡng những bộ phận liên quan đến khí thải có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm lượng khí thải độc hại từ xe máy" - ông Khang nhấn mạnh.

Theo ThS Phan Hoàng Phương, Trưởng Phòng Giao thông đô thị và nông thôn - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, do Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và quy định về kiểm định khí thải định kỳ đối với xe hai bánh cùng các chế tài liên quan nên không thể thu hồi, loại bỏ phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành. Trong khi đó, giai đoạn năm 2025 - 2030, xe máy vẫn là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến. Do đó, cơ quan quản lý sẽ thí điểm từng bước kiểm soát hoạt động của xe máy theo các đề án đã được phê duyệt song song với việc tăng cường quy định về kiểm soát khí thải.

Người dân không bị tăng chi phí

Bộ GTVT thừa nhận quy định kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy khiến người sử dụng xe phải tốn chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện. Tuy nhiên, bù lại, chủ phương tiện có thể giảm bớt chi phí sửa chữa khi có hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ; được sống trong môi trường không khí có nồng độ bụi và chất độc hại thấp.

Dẫn số liệu của dự án "Nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường không khí", Bộ GTVT cho rằng nếu người sử dụng phương tiện giao thông thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, có thể giảm 7% mức tiêu hao nhiên liệu của xe, tương đương 170.632 đồng/năm (tính theo giá xăng tháng 11-2018).

Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng, thay thế phụ tùng khí thải chỉ khoảng 110.000 đồng/xe; chi phí bù đắp đầu tư vận hành trạm kiểm định khoảng 35.000 đồng/xe/năm. Như vậy, nếu thực hiện chế độ kiểm soát khí thải, người dân không những không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm.

TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng với đặc thù mô tô, xe máy vẫn đang là phương tiện được nhiều người dân lựa chọn, việc kiểm soát khí thải là cần thiết để bảo đảm phương tiện vận hành an toàn hơn, qua đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng người dân và bảo vệ môi trường.

Gợi ý giải pháp kiểm soát khí thải xe máy, ThS Đinh Trọng Khang đưa ra một số kịch bản tùy từng giai đoạn. Cụ thể, kiểm soát khí thải xe máy theo khu vực, ưu tiên thực hiện ở khu vực trung tâm trước; kiểm soát khí thải theo đối tượng (tuổi đời hoặc dung tích xe); kiểm soát khí thải bằng hình thức thu phí phát thải, xe vượt mức tiêu chuẩn càng nhiều thì nộp phí càng cao; kiểm soát khí thải bằng hình thức hỗn hợp (kết hợp kiểm soát theo khu vực và đối tượng, theo khu vực và thu phí).

Làm rõ việc có cần dán tem kiểm định

TS Nguyễn Đức Kiên, chuyên gia kinh tế, đề nghị xem xét trong quy trình kiểm định khí thải đối với xe máy, có cần dán tem kiểm định hay không? Nếu buộc phải dán tem thì ai thực hiện nhiệm vụ này, người dán có cần giấy chứng nhận đăng kiểm viên hay không...?

"Cần nghiên cứu kỹ cách thực hiện quy định này để bảo đảm khả thi, hạn chế tối đa tác động đến người dân" - TS Nguyễn Đức Kiên lưu ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại