Được quốc hội phê chuẩn cho hành động quân sự xuyên biên giới, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi có toàn quyền can thiệp vào nước láng giềng Libya, động thái có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ , đang hậu thuẫn cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA).
Chiến lược ứng phó của Ankara tập trung vào ba yếu tố: Lực lượng mặt đất, không quân, hải quân và lực lượng ủy nhiệm của Ai Cập; động lực thực sự để can thiệp và bối cảnh quốc tế.
Mối lo trên không
Ankara tin rằng lực lượng trên bộ của Ai Cập quá yếu cho một hoạt động trên chiến trường và nhiều quan điểm nhất trí bác bỏ kịch bản này. Những sai sót của Ai Cập trong cuộc chiến chống lại khủng bố IS ở Bán đảo Sinai đã khiến Ankara nhận ra rằng lực lượng trên bộ nước này khó có thể đối đầu trong một cuộc xung đột cường độ thấp.
Một quan điểm khác thì cho rằng quân đội Ai Cập bị ám ảnh bởi những tổn thương sau khi can thiệp thất bại vào Yemen vào những năm 1960. Tóm lại, Ankara tự tin loại trừ một hoạt động toàn diện trên mặt đất của Ai Cập ở Libya.
Bài học từ các cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967 và 1973 và xu hướng quân sự kể từ Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 cho thấy rằng bất kỳ hoạt động quân sự quy mô lớn nào trên địa hình với các sa mạc rộng lớn như Libya sẽ cần một khả năng hỗ trợ vượt trội từ trên không.
Do đó, Ankara đang bận tâm về việc Ai Cập sẽ nhận được sự hỗ trợ trên không hoặc hỗ trợ bí mật từ UAE, đồng minh chính của nước này ở Libya, hoặc có thể là cả Nga.
Một chiến dịch trên không của Ai Cập-UAE có thể ngăn chặn lực lượng Tripoli do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiếm lấy thành phố ven biển chiến lược Sirte và căn cứ không quân lớn nhất Libya, al-Jufra .
Cuộc tấn công vào căn cứ không quân al-Watiya do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát vào đầu tháng 7 được cho là khúc dạo đầu cho cuộc cạnh tranh giành quyền thống trị không phận ở Libya.
Các hoạt động không quân của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tấn công nhằm chiếm giữ Sirte và al-Jufra về mặt lý thuyết có thể mở ra trên ba hướng chính.
Đầu tiên sẽ là khả năng triển khai chiến đấu cơ ở Libya hoặc ở một nước thứ ba như Malta, từ đó các máy bay có thể tới Libya mà không cần tiếp nhiên liệu trên không, để hỗ trợ cho lực lượng mặt đất.
Thứ hai là sử dụng các hệ thống phòng không, bao gồm tên lửa đất đối không và phương tiện tác chiến điện tử để ngăn chặn các lực lượng đối phương tiếp cận tuyến đường tấn công.
Thứ ba sẽ tập trung vào việc đảm bảo các hành lang hậu cần trên không và hải quân giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.
Tương tự như vậy, ba khu vực đó cũng chính là mục tiêu chính của không quân Ai Cập và UAE.
Kịch bản Ai Cập-UAE liên thủ
Không lực của UAE sẽ là mối lo ngại đối với Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya.
Đánh giá về cuộc tấn công vào căn cứ al-Watiya gần đây, Ankara nhận thấy khả năng cao chiến đấu cơ của UAE sẽ cố gắng ngăn chặn một cuộc tấn công vào Sirte, được hỗ trợ bởi sự hỗ trợ hậu cần của Ai Cập và kiểm soát không phận Nga.
Cơ sở dữ liệu quân sự chỉ ra rằng UAE có khoảng 160 chiến đấu cơ và các loại máy bay đa chức năng, chủ yếu là F-16E và F16F Block-60 do Mỹ sản xuất, nhưng cũng có máy bay Mirage do Pháp sản xuất.
Theo tình báo nguồn mở, UAE đã triển khai các máy bay Mirage tại căn cứ Sidi Barrani của Ai Cập, cách biên giới Libya không xa, và củng cố thêm căn cứ al-Khadim ở phía Đông Libya bằng nhà chứa máy bay và cơ sở hạ tầng phù hợp với máy bay chiến đấu tân tiến.
Việc sử dụng căn cứ al-Khadim và căn cứ ở Ai Cập sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho máy bay của UAE ngay cả khi không quân Ai Cập không tích cực tham gia chiến đấu.
Một lợi thế như vậy có thể làm tăng áp lực lên lực lượng Tripoli do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và tạo điều kiện cho các cuộc tấn công sâu vào Tripoli, nơi dường như đang thiếu một hệ thống phòng không thích hợp. Đáng chú ý, không quân UAE sở hữu loại đạn thông minh tầm xa cần thiết cho các nhiệm vụ như vậy.
Tương tự như vậy, Ai Cập và UAE có thể nỗ lực phá vỡ các tuyến đường hậu cần trên không và hải quân giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, trải dài 2.300 km. Tiếp tục tiếp tế, chuyển quân và sơ tán sẽ là một nhiệm vụ hậu cần khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ trên một tuyến đường dài như vậy.
Nói tóm lại, sức mạnh trên không là thách thức nhất đối với Ankara.
Ai Cập can thiệp thế nào?
Ai Cập sẵn sàng can thiệp quân sự như thế nào? Ankara tin rằng tuyên bố can thiệp của Cairo chủ yếu là nhằm mục đích chuyển hướng sự chú ý khỏi thất bại trong những vấn đề nội bộ gần đây.
Ngoài ra, không giống như Yemen và Syria, Libya vẫn là tâm điểm của sự chú ý toàn cầu và Chính phủ GNA vẫn được quốc tế công nhận, được thúc đẩy bởi một loạt các chiến thắng quân sự gần đây, theo suy nghĩ của Ankara, gần như sẽ ngăn chặn khả năng can thiệp của Ai Cập.
Hơn nữa, Ankara tin rằng, quân đội Ai Cập sẽ miễn cưỡng tham gia vào một chiến dịch xuyên biên giới với các mục tiêu quân sự mơ hồ và tổn thất rủi ro có thể làm tổn hại uy tín và gây ra những mâu thuẫn nội bộ.
Nói tóm lại, Ankara phần lớn coi tuyên bố can thiệp của Ai Cập là không có gì đáng lo ngại.
Theo quan điểm của Ankara, người Libya sẽ coi sự can thiệp của Ai Cập là một cuộc xâm lược. Các nước láng giềng như Algeria và Tunisia, vốn đứng ngoài cuộc xung đột cho đến nay, cũng sẽ phản đối sự can thiệp của Ai Cập do các rủi ro an ninh và làn sóng di cư.