Kịch bản trớ trêu: Vũ khí Nga sẽ tự hủy diệt lẫn nhau trong chiến tranh Ấn Độ - Pakistan?

Bảo Lam |

Nga sẽ không để đánh mất Ấn Độ như một đối tác và đồng minh thương mại, cả trong lĩnh vực mua bán vũ khí, nhưng cũng sẽ không từ chối các hợp đồng có lợi với Pakistan.

Những hợp đồng vũ khí lớn với cả Ấn Độ và Pakistan

Theo truyền thống, New Delhi đối với Moscow thân thiết hơn so với Islamabad. Điều này không quá khó lý giải: Pakistan "chịu sự bảo trợ" của Mỹ khi Washington cung cấp cho nước này khá nhiều chủng loại vũ khí.

Trong giai đoạn Liên Xô có mặt tại Afghanistan, các căn cứ và trung tâm huấn luyện những phần từ Hồi giáo cực đoan được chính các chuyên gia quân sự Mỹ đào tạo. Do vậy, mối quan hệ giữa Nga với Pakistan, nếu so với Ấn Độ, không được thắm thiết cho lắm, kể cả cho tới hiện tại.

Cuộc xung đột hiện nay tại Kashmir với việc Không quân Ấn Độ tập kích huỷ diệt trại huấn luyện của tổ chức khủng bố Jaish-e-Muhammad một lần nữa chứng tỏ rằng, nguồn gốc của sự căng thẳng ở đây sẽ còn tồn tại khá lâu.

Kashmir là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan với diện tích hơn 200 nghìn km2, đã trải qua ít nhất 3 cuộc chiến tranh và hàng trăm cuộc đụng độ lớn nhỏ.

Vấn đề không phải Ấn Độ đã chứng tỏ tiềm lực quân sự lớn mạnh hơn nhiều khi điều động các máy bay tiêm kích đa năng Mirage-2000 do Pháp sản xuất tham gia vào "chiến dịch báo thù" tiêu diệt các mối đe dọa khủng bố, trong khi Pakistan đã không thể làm gì để đáp trả vì thiếu vũ khí.

Vấn đề nằm ở chỗ các sản phẩm vũ khí, bao gồm máy bay và trực thăng của quân đội Pakistan do Mỹ cung cấp đột ngột giảm, gần như chỉ còn con số 0. Tổng thống Donald Trump cho rằng việc đầu tư trước đây cho quân đội Islamabad "không hiệu quả".

Hàng đoàn xe chở vũ khí từ lãnh thổ Pakistan nối đuôi nhau sang Afghanistan, nơi binh lính Mỹ phải hứng chịu những làn đạn bằng chính các khẩu súng đóng dấu "Made in USA". Islamabad, ngoài sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, còn tiếp nhận các vũ khí của Trung Quốc, nước đang xích lại gần Moscow. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Nga sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Pakistan với các bản hợp đồng có thể mang tới nhiều hứa hẹn, và phần nào đó sẽ trở thành "gáo nước lạnh" đối với Ấn Độ, quốc gia thời gian gần đây đã từ chối hàng loạt hợp đồng mua sắm vũ khí của Nga, cụ thể như các máy bay tiêm kích MiG-29.

Kịch bản trớ trêu: Vũ khí Nga sẽ tự hủy diệt lẫn nhau trong chiến tranh Ấn Độ - Pakistan? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu MiG-29. Ảnh: Sputnik

Liên Xô trước đây từng cung cấp cho Islamabad rất nhiều vũ khí. Vào cuối thập niên 60, đã có vài trăm chiếc xe tăng T-54/55, cũng như một lô hàng lớn súng phóng lựu RPG-7 được bán cho Pakistan.

Đến thập niên 80, hoạt động này chấm dứt, nhưng sau năm 1996 Nga đã bán cho Pakistan gần 70 máy bay trực thăng vận tải Mi-17 mà cho đến nay vẫn đang phục vụ quân đội. Ngoài ra còn có cả những bản hợp đồng ít ý nghĩa hơn liên quan tới việc cung cấp súng trường và đạn dành cho loại súng này.

Đó là chưa kể tới các bản hợp đồng "được giữ kín" cung cấp động cơ máy bay của Nga cho Pakistan thông qua Trung Quốc và chúng được lắp đặt cho các máy bay tiêm kích - bom do Trung Quốc và Pakistan liên doanh chế tạo.

Hoạt động kinh doanh vũ khí (hợp tác kỹ thuật-quân sự) giữa Nga và Pakistan tăng mạnh từ năm 2014 và chỉ trong thời gian ngắn, Islamabad đã tiếp nhận các máy bay trực thăng Mi-35 (tấn công) và Mi-17 (vận tải).

Pakistan hiện được cho là cũng đặt mối quan tâm tới các hệ thống pháo, các phương tiện phòng không, những tổ hợp tên lửa chống tăng và hàng loạt vũ khí khác. Ban đầu, số lượng có thể không lớn nhưng triển vọng hợp tác khá hứa hẹn. Nga bắt đầu coi Pakistan như một khách hàng tiềm năng của mình nhất là khi Mỹ chấm dứt hoạt động của mình ở đây.

Người Mỹ rời xa – người Nga đang tới

Trước cuộc tấn công mới nhất của Không quân Ấn Độ, Islamabad đã tuyên bố về dự định tăng cường hợp tác kỹ thuật-quân sự với Moscow và sẵn sàng "đặt hàng". Pakistan quan tâm tới các máy bay tiêm kích, xe tăng, hệ thống phòng không của Nga.

Họ đặc biệt chú ý tới các máy bay tiêm kích đa năng Su-35, những máy bay trực thăng tấn công Mi-28, các xe tăng T-90MS, những phương tiện phòng không tầm ngắn và tầm trung Tunguska, Buk,… Về phần mình, Nga sẵn sàng cung cấp cho Pakistan tất cả những loại vũ khí này.

Kịch bản trớ trêu: Vũ khí Nga sẽ tự hủy diệt lẫn nhau trong chiến tranh Ấn Độ - Pakistan? - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk khai hỏa. Ảnh: TASS

Ấn Độ tỏ ra bực tức và nhiều lần thể hiện sự lo ngại liên quan tới mối quan hệ của Pakistan với Nga. Bên cạnh đó, họ cố tình dừng các chương trình mua sắm vũ khí từ Moscow và, theo các chuyên gia, công khai "làm hàng" khi yêu cầu những điều kiện có lợi hơn, đe doạ sẽ mua vũ khí của các nước khác, chẳng hạn như của Pháp.

Giá trị các bản hợp đồng mua sắm vũ khí của Ấn Độ tại Nga giảm từ 30% vào năm 2013 xuống còn 16% vào năm 2018. Cuối năm 2016, "Rosoboronexport" có trách nhiệm phải cung cấp cho Ấn Độ hợp đồng vũ khí với tổng giá trị khoảng 4,6 tỷ USD, còn trong năm ngoái các hợp đồng mua vũ khí được ký kết giữa hai bên chỉ có tổng giá trị vào khoảng 2 tỷ USD.

Đương nhiên Nga sẽ không để đánh mất Ấn Độ như một đối tác và đồng minh thương mại, cả trong lĩnh vực mua bán vũ khí, nhưng cũng sẽ không từ chối các hợp đồng có lợi với Pakistan.

Ở đây cần phải thấy rằng, thỏa thuận song phương về hợp tác quân sự năm 2014 (trong chuyến thăm tới Islamabad của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu), không chỉ mang ý nghĩa "thương mại".

Trước tiên, đó là sự đối đầu với Mỹ trong khu vực, nơi Pakistan chiếm một vị trí không kém phần quan trọng. Người Mỹ rời xa – người Nga đã tới. Tất cả đều rất thuận theo lẽ thường.

Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-V ngày 18/1/2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại