Ukraine và Nga tiếp tục cáo buộc nhau lên kế hoạch tấn công nhà máy điện Zaporizhzhia. Ảnh: DW
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu trên đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022. Tất cả 6 lò phản ứng đã ngừng hoạt động kể từ đó. Mới đây, Ukraine và Nga tiếp tục cáo buộc nhau lên kế hoạch tấn công nhà máy điện Zaporizhzhia.
Ví dụ, Nga ngày 9/7 tuyên bố rằng Ukraine đang lên kế hoạch gây ra "thiệt hại có hệ thống" cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Bây giờ họ đã bắt tay vào một kế hoạch 'tự cứu mình': gây thiệt hại có hệ thống cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia".
Trước đó, Ukraine cảnh báo rằng một "hành động khiêu khích có thể xảy ra trong tương lai gần" khi cơ quan tình báo quân đội Ukraine tuyên bố "Nga đã thông qua kế hoạch đặt mìn ở một số địa điểm trong nhà máy hạt nhân này".
Báo Deutsche Welle (Đức) dẫn lời các chuyên gia cho rằng một vụ nổ hay sự cố ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ thống làm mát của nhà máy điện Zaporizhzhia đều có thể dẫn đến một thảm họa như thảm họa ở Fukushima, Nhật Bản. Năm 2011, một trận động đất và sóng thần sau đó đã làm gián đoạn trình tự làm mát của ba lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, dẫn đến sự cố tan chảy lõi và rò rỉ phóng xạ.
Hệ thống làm mát là điểm yếu nhất của Zaporizhzhia
Olha Kosharna, một chuyên gia an toàn hạt nhân người Ukraine, đã nhấn mạnh rằng sự cố ở những bộ phận làm mát quan trọng nhất sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp cho nhà máy điện. Chuyên gia này nói thêm rằng nước trong hồ làm mát đóng vai trò quyết định bằng cách làm mát các thanh nhiên liệu bên trong lò phản ứng, do đó ngăn chúng tan chảy do quá nóng.
Về phần mình, Dmytro Humeniuk thuộc Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước về An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Ukraine giải thích rằng nếu hệ thống làm mát bị phá hủy, nước có thể thoát ra ngoài và chuyên gia ước tính một vụ tai nạn hạt nhân sẽ xảy ra trong vòng 8 ngày.
Theo các chuyên gia, lò phản ứng thứ 6 vẫn đang trong tình trạng "tắt nóng" (hot shutdown), trong đó các tổ máy vẫn phát điện nhiệt - mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã yêu cầu "tắt nguội" 4 tuần trước. Nếu đúng như vậy, nước làm mát có thể đạt tới 280 độ C và sẽ bốc hơi trong trường hợp rò rỉ. Điều này khiến các chuyên gia cảnh báo chỉ có 27 giờ để ngăn bức xạ thoát ra ngoài.
Các nhân viên Ukraine diễn tập ứng phó thảm họa hạt nhân gần nhà máy điện Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Mark Zheleznyak, Giáo sư thỉnh giảng của Viện phóng xạ môi trường tại Đại học Fukushima, nhận định khả năng rủi ro tại Zaporizhzhia nhỏ hơn so với ở Fukushima. "Sẽ không có thảm họa phóng xạ, bởi vì một lò phản ứng ngừng hoạt động không thể phát ra phóng xạ", ông nói, đồng thời khuyên không nên hoảng loạn.
2 kịch bản tiềm tàng
Trung tâm An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Ukraine đã đề ra hai kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia.
Trong kịch bản đầu tiên, lớp vỏ bảo vệ dày 1 mét của lò phản ứng vẫn còn nguyên vẹn, trong khi cơ sở bên dưới bị tan chảy. Đây có thể là trường hợp mất điện hoàn toàn hoặc hệ thống làm mát bị hỏng. Các chuyên gia ước tính rằng trong một kịch bản như vậy, một khu vực khoảng 2,5 km xung quanh nhà máy điện sẽ bị nhiễm phóng xạ.
"Về cơ bản, điều này sẽ chỉ ảnh hưởng đến các nhân viên làm việc tại nhà máy điện", Trung tâm trên cho biết trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng những người này sẽ phải rời khỏi khu vực.
Kịch bản còn lại là một sự cố nạn hạt nhân kèm theo lớp vỏ bảo vệ bị hư hỏng. "Trong kịch bản này, rò rỉ phóng xạ sẽ ảnh hưởng với bán kính rộng hơn nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Khu vực bị nhiễm xạ sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết", Trung tâm An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Ukraine giải thích.
Chuyên gia Ivan Kovalets tại Học viện Khoa học Ukraine tính toán rằng, tùy thuộc vào lực và hướng gió, một khu vực rộng tới 20 km xung quanh nhà máy hạt nhân có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
"Trong trường hợp này, cần phải sơ tán ngay lập tức", chuyên gia Kovalets nói. Ngay cả những người sống cách nhà máy điện 550 km cũng có thể đối mặt với những rủi ro sức khỏe nhất định. "Tuy nhiên, ở những khoảng cách như vậy, không cần phải có biện pháp đối phó hoặc sơ tán ngay lập tức", ông Kovalets nói thêm.