Nấm bom hạt nhân. Ảnh: Arknews.
Trước các tuyên bố của ban lãnh đạo Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ ở cấp chiến thuật, ông Fedchenko cho rằng nổ hạt nhân thì vẫn là nổ hạt nhân. Vị chuyên gia cho biết, ở đây “không có định nghĩa rõ ràng hay sự đồng thuận về sự khác biệt giữa chiến thuật và chiến lược”.
Theo Fedchenko và các chuyên gia khác, Tổng thống Nga Putin có 3 phương án sử dụng kho vũ khí hạt nhân (gồm khoảng 6.000 vũ khí) tại chiến trường Ukraine. Một là cho nổ ở vị trí rất cao, tạo ra xung điện từ làm hỏng hết các hệ thống điện tử của Ukraine và châu Âu. Hai là cho nổ ở độ cao vừa phải, làm chết hàng chục ngàn người nhưng không ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Ba là cho vũ khí hạt nhân nổ tung trên mặt đất, với bụi phóng xạ được gió phát tán khắp nơi.
Chuyên gia Fedchenko bổ sung rằng đấy là chưa tính đến khả năng Nga sử dụng cả vũ khí thông thường để phá hủy các lò phản ứng hạt nhân của Ukraine, biến nơi đây thành tử địa.
Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô từng đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân khi để xảy ra cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba kéo dài 13 ngày trong năm 1961. Thế đối đầu năm đó tựa như một ván cờ vua đã được tính toán. Còn thế đối đầu hạt nhân hiện nay ở Ukraine giống như một game show truyền hình mà trong đó các đối thủ hô hào triệt hạ nhau một cách ầm ĩ và ghê rợn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo Tổng thống Putin về “các hậu quả nghiêm trọng nhất” nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Song Nga không tỏ ra chùn bước trước các cảnh báo của phương Tây. Cựu Tổng thống Nga Medvedev - đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, răn đe mạnh mẽ: “Vũ khí Nga, bao gồm cả hạt nhân chiến lược, có thể được sử dụng”.
Một nhân vật thân cận khác của ông Putin, thủ lĩnh khu vực người Chechnya, Ramzan Kadyrov, mới đây đã khuyến khích lãnh đạo của mình kích hoạt vũ khí hạt nhân. Ông Kadyrov nói: “Cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, lên mức thiết quân luật ở vùng biên và sử dụng vũ khí hạt nhân có sức công phá ở mức nhỏ”.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã phản bác lại phía Nga và dọa rằng “nếu Nga vượt lằn ranh, họ sẽ đối mặt các hậu quả nghiêm trọng”.
Ít thử nghiệm nên khó lường hết sức công phá trên thực địa
Không ai nghi ngờ sức công phá của vũ khí hạt nhân kể từ khi Mỹ thả 2 quả bom hạt nhân xuống 2 thành phố của Nhật Bản vào năm 1945, khiến hàng chục ngàn người chết ngay lập tức hoặc chết dần dần sau đó do phơi nhiễm phóng xạ…
Chuyên gia vũ khí hạt nhân Fedchenko giải thích thêm: “Năng lượng của các vụ nổ hạt nhân cơ bản vẫn thế. Khác biệt là ở quy mô, khả năng chịu sốc bên ngoài và mức độ thuận tiện phóng hoặc thả vũ khí hạt nhân”.
Theo Fedchenko, Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân Toàn diện năm 1996 đã hạn chế năng lực đánh giá của cả Nga và Mỹ.
Chuyên gia Fedchenko nói: “Có nhiều thiết kế căn bản mới, nhưng khi thiếu nhiều cuộc thử nghiệm thực tế, bạn không biết liệu vũ khí hạt nhân thực sự hoạt động như ý bạn muốn hay không. Kho vũ khí hạt nhân vẫn dựa trên các hệ thống phát triển vào cuối thập niên 1980 hoặc trước đó”.
Olena Pavlenko - một nhà phân tích chính sách năng lượng tại Viện nghiên cứu của Tập đoàn Dixi ở Kiev cho rằng Liên Hợp Quốc đã không làm được gì nhiều để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân của Nga đối với Ukraine. Bà cho biết, người Ukraine thực sự đề phòng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân thật, dù về mặt tâm lý, họ có thể không sợ một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của đối phương.
Pavlenko cho biết, người dân Ukraine thực sự muốn biết liệu ông Putin có khai hỏa vũ khí hạt nhân hay không. Theo bà, họ hiểu rõ tâm lý người Nga. “Nếu Nga nói nhiều về vấn đề gì đó thì họ sẽ không làm vậy. Nhưng nếu họ im lặng thì đó là lúc cần phải lo lắng”.