Việt Nam và Hoa Kỳ đang dần tiến lại gần nhau vì những lý do chiến lược và điều này là hoàn toàn có thể bởi cả hai nước đều đang xây dựng được lòng tin chiến lược, từ đó tạo ra nền tảng cho mối quan hệ đối tác bền vững hơn trong thời gian dài.
Mặc dù chuyến thăm tới Việt Nam của ông Obama diễn ra khi chỉ còn vài tháng nữa là ông rời nhiệm sở song chuyến công du này mang tính biểu tượng và ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Trước hết, Hoa Kỳ cuối cùng đã đồng ý dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, xóa bỏ tàn tích cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và mở đường cho mối quan hệ hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn giữa hai nước.
Thứ hai, cả Hà Nội và Washington đều tăng cường quan hệ kinh tế khi VietJet Air đã ký kết hợp đồng kỷ lục trị giá 11,3 tỷ USD với tập đoàn Boeing để mua 100 máy bay B737 MAX 200 và một hợp đồng khác trị giá 3 tỷ USD với công ty chuyên sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney.
Cùng lúc đó, tập đoàn General Electric của Mỹ và chính phủ Việt Nam đã nhất trí hợp tác trong lĩnh vực năng lượng gió.
Để thúc đẩy mối quan hệ giữa con người với con người, Việt Nam cũng đã cho phép chương trình Hòa bình Peace Corps của Mỹ vào Việt Nam để dạy tiếng Anh tại các trường học, đồng thời hai bên cũng đồng ý gia hạn visa lên một năm cho các chuyến công tác ngắn hạn và khách du lịch của cả hai nước.
Chắc chắn những quyết định trên sẽ giúp người dân Hoa Kỳ và Việt Nam kết nối dễ dàng hơn, để cùng chia sẻ ý tưởng và xây dựng các quan hệ đối tác lâu dài.
Mặc dù một trong những lý do mang tính quyết định cho sự tiến triển trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng thực tế tiến trình này đã được khởi xướng từ rất lâu trước đó.
Sau một thời gian dài đàm phán, năm 1994, Tổng thống Bill Clinton đã dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, mở đường cho quyết định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước một năm sau đó.
Năm 2000, ông Clinton trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm chính thức Việt Nam và cũng trong năm này, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng ký kết thành công Hiệp định Thương mại song phương, với mục tiêu chính là thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Năm 2013, trong chuyến công du Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Mỹ và Việt Nam đã nhất trí nâng tầm mối quan hệ song phương lên thành “đối tác toàn diện”, đánh dấu một thời kỳ mới trong việc hợp tác sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực.
Cuối năm 2014, sau nhiều cân nhắc, Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ và đưa ra tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ, một tài liệu quan trọng vạch ra lộ trình cụ thể cho tương lai quan hệ Việt – Mỹ.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama gọi đây là một chuyến đi hết sức đặc biệt và ông hy vọng kết quả của tiến trình phát triển sẽ được nuôi dưỡng cẩn thận từ hai phía trong nhiều năm tới.
Tất nhiên, không thể phủ nhận quan điểm rằng chuyến công du của ông Obama là một phần trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Mặc dù chính phủ Mỹ cho rằng chuyến đi này không nhằm vào Trung Quốc song bài phát biểu của ông Obama tại Hà Nội cũng nói rõ rằng Washington muốn cân bằng với nỗ lực thống trị Biển Đông của Bắc Kinh.
Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là vấn đề được nhấn mạnh nhất trong số những thỏa thuận mà hai nước đạt được lần này. Bước tiến này mang một ý nghĩa quan trọng bởi nó gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng chính sách ngoại giao “súng đạn” của Bắc Kinh ở Biển Đông chắc chắn sẽ bị đáp trả.
Cùng lúc đó, nó cũng cho các lãnh đạo Trung Quốc thấy được rằng Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược để Mỹ gạt bỏ những khác biệt về vấn đề nhân quyền và bắt tay thúc đẩy hợp tác quốc phòng.
Có thể điều này chưa tạo ra những thay đổi ngay lập tức ở Bắc Kinh nhưng về lâu dài, có cơ sở để tin tưởng rằng mối quan hệ quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ làm trung hòa được thái độ của Trung Quốc trong khu vực.
Quan trọng hơn, quyết định này sẽ cho phép Việt Nam thực hiện các hợp đồng mua bán vũ khí hạng nặng cần thiết để nâng cao năng lực quốc phòng. Từ năm 2011-2015, Việt Nam nhập khẩu 93% lượng vũ khí của mình từ Nga.
Điều này cho thấy Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi nhà cung cấp vũ khí của mình bởi việc phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp sẽ khiến Hà Nội thụ động.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ ngay lập tức tiến hành các thương vụ mua bán vũ khí lớn với Mỹ sau khi dỡ bỏ lệnh cấm. Trên thực tế, viễn cảnh như vậy vẫn khó có thể xảy ra bởi sự thật là Hà Nội chưa thể mua các hệ thống vũ khí hiện đại nhất vào thời điểm này.
Tranh chấp trên Biển Đông là một “cuộc chơi cờ vây” kéo dài chứ không phải là một trận đấu cờ bình thường kết thúc nhanh chóng khi Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực quốc phòng.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ chỉ cho phép Việt Nam mua vũ khí theo quy định và dựa trên những hệ quả trong thời gian dài. Quyết định này sẽ cho phép hai nước xây dựng một sự tín nhiệm chung, cho phép hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.
Như Tổng thống Obama đã nhấn mạnh, một Việt Nam mạnh mẽ trong khối đoàn kết ASEAN sẽ là đối tác quan trọng của nước Mỹ. Chia sẻ những lợi ích chiến lược chung, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đảm bảo được sự tồn tại và phát triển, hướng đến sự hợp tác chiến lược và toàn diện thực sự.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Ngo Di Lan, tiến sĩ ĐH Brandeis, chuyên ngành chính sách đối ngoại Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung và ông Truong Minh Vu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.