LTS: Từ ngày 30/8 đến ngày 3/9 vừa qua, Đại sứ Nguyễn Quang Khai đã tới thăm Triều Tiên và có những trải nghiệm khó quên với con người và đời sống nơi đây. Tòa soạn xin giới thiệu đến quý độc giả kí sự ghi lại hành trình của Đại sứ trên mảnh đất này:
Tình hình Triều Tiên hoàn toàn khác với những gì các phương tiện truyền thông của phương Tây đưa
Trong suốt thời gian phục vụ trong ngành ngoại giao, tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa một lần được đến thăm Triều Tiên, mặc dù đã đọc, nghe nhiều về đất nước và con người Triều Tiên. Vừa qua, tôi đã có dịp đến thăm Triều Tiên từ 30/8 đến 3/9/2019 với mục đích để khám phá đất nước này.
Trước khi rời Hà Nội, chúng tôi được phổ biến rất kỹ Triều Tiên là vùng đất bí hiểm và khép kín nhất thế giới.
Khách nước ngoài đến đây phải tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt như không được quay phim, chụp ảnh bất hợp pháp, điện thoại, máy tính sách tay, sách báo phải được kiểm tra kỹ xem có lưu trữ thông tin gì trái với đường lối, chính sách của Triều Tiên hay không và ai vi phạm có thể bị bắt, bị bỏ tù hoặc không cho xuất cảnh trở về nước, rồi thì khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên là nơi nguy hiểm nhất thế giới...
Đây là chưa kể đến những thông tin khủng khiếp của phương Tây coi Triều Tiên như một chế độ tàn bạo có một không hai trên thế giới. Trước những thông tin như vậy, thực sự tôi cũng cảm thấy hơi lo, nhưng vẫn rất hào hứng lên đường để tìm hiểu và khám phá về đất nước và con người của đất nước này.
Sân bay quốc tế Thủ đô Bình Nhưỡng rộng thênh thang chỉ có hai chiếc máy bay của hãng hàng không Trung Quốc Air China vừa bay tới và vài chiếc máy bay cỡ nhỏ của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo nằm "bẹp dí" ở phía xa.
Theo bảng thông báo tại sân bay, mỗi ngày chỉ có khoảng 10 chuyến bay, tất cả đều từ Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc, chỉ có một chuyến duy nhất từ thành phố Vladivostok của Nga. Hình ảnh đầu tiên cho thấy rõ đất nước Triều Tiên đang bị bao vây, cấm vận hết sức khắc nghiệt.
Tuy nhiên, khi vào bên trong sân bay, một cảnh tượng hoàn toàn khác. Nhà ga đến và đi đều sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng, hiện đại và hoạt động như bất cứ một sân bay quốc tế nào trên thế giới.
Các nhân viên an ninh và cán bộ xuất nhập cảnh đều tỏ ra rất thân thiện và làm việc một cách chuyên nghiệp. Thủ tục xuất nhập cảnh, kiểm tra hành lý cũng khá đơn giản và không thấy có bất cứ hạn chế nào khác với các sân bay quốc tế của nhiều nước.
Con đường từ sân bay về thành phố chừng 25km dần dần hiện lên bức tranh toàn cảnh về Thủ đô Bình Nhưỡng. Thành phố được quy hoạch và xây dựng hoàn hảo, đẹp và hết sức thanh bình. Những đường phố thẳng tắp, vỉa hè rộng thênh thang cho người đi bộ với những hàng cây xanh, thảm cỏ mượt như sân gôn, các loại hoa được trồng và cắt tỉa gọn gàng.
Hoàn toàn không có bất cứ một khu nhà ổ chuột rách nát nào. Bình Nhưỡng sạch không kém Singapore. Trong suốt 5 ngày ở Bình Nhưỡng tôi không thấy một cọng rác nào trên đường phố.
Ở Triều Tiên không được phép dùng xe ô tô cá nhân. Tất cả người dân phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng gồm tàu điện ngầm, tàu điện và xe điện bánh hơi.
Giá mỗi lần đi các phương tiện này chỉ khoảng hơn một ngàn đồng tiền Việt. Một số ít người sử dụng xe đạp. Thi thoảng mới thấy một cảnh sát giao thông chỉ đường tại ngã tư. Người dân đi lại trật tự, không có chuyện chen lấn nhau.
Chúng tôi ở trong khách sạn Yanggado International 4 sao 34 tầng toạ lạc bên bờ sông Taedong. Khách sạn đẹp, các dịch vụ không kém bất cứ một khách sạn tương đương nào trên thế giới.
Nghệ thuật xếp hình Arirang là một màn trình diễn có một không hai trên thế giới. Lần đầu tiên chúng tôi được chiêm ngưỡng một đêm biểu diễn hoành tráng đến như vậy! Sân vận động 1/5 lớn nhất thế giới có sức chứa 150 ngàn người, hôm đó 17,450 người đã tham gia một chương trình biểu diễn xếp hình, ca múa nhạc đặc sắc kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ.
Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi với số người biểu diễn lớn như vậy mà các tiết mục được bố trí liên tục, không bị ngắt quãng và sau khi kết thúc mặc dù đông như vậy nhưng chỉ trong ít phút tất cả người xem cũng như người biểu diễn đều rời sân rất nhanh trong trật tự.
Chúng tôi được đưa đến thăm khu phi quân sự liên Triều (DMZ) nằm trên vĩ tuyến 38, biểu tượng bi kịch chia cắt hai miền Triều Tiên và được coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Hàng rào dây thép gai, hàng rào điện tử được xây dựng dày đặc, máy camera được đặt khắp nơi.
Những người lính canh gác ở đây mặc quân phục rằn ri, nghiêm trang, mặt lạnh như tiền. Vào khu vực này chúng tôi phải đi qua một đoạn đường rất hẹp chỉ đủ cho hai ô tô tránh nhau, không khác gì một công sự. Hai bên đoạn đường này người ta đặt những khối bê tông lớn chừng 2 m3 đề phòng khi chiến tranh xảy ra thì lật những khối bê tông này xuống để chặn đường.
Sau khi vượt qua các trạm kiểm soát vào bên trong khu DMZ, mọi việc lại diễn ra bình thường. Chúng tôi chỉ đứng cách đường ranh giới chừng 100m, nơi Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây bước qua.
Bạn đưa chúng tôi đến thăm Bàn Môn Điếm, nơi đàm phán và ký kết Hiệp định đình chiến giữa Mỹ và Triều Tiên năm 1953. Tại những khu vực này chúng tôi được quay phim, chụp ảnh thoải mái.
Điều gì có thể học tập được từ đất nước Triều Tiên
Không ai nói cuộc sống ở Triều Tiên là dễ dàng trong tình hình bị cấm vận. Tuy nhiên, lãnh đạo và người dân Triều Tiên vẫn sống và làm việc, quyết tâm đi theo con đường đã chọn đó là thống nhất đất nước và đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
Cấm vận đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đất nước và người dân. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Triều Tiên vẫn đảm bảo được đời sống cho tất cả mọi người. Thu nhập của người dân khá thấp, nhưng mỗi cán bộ nhà nước, công nhân được cung cấp lương thực, thực phẩm (500-700 gr gạo/ngày, 4-5 kg thịt/tháng).
Nhà ở được nhà nước phân phối không phải trả tiền. Mọi người dân được hưởng chế độ giáo dục, chữa bệnh miễn phí. Ở Triều Tiên không có thất nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp đại học được bố trí việc làm ngay.
Cô So Hang, sinh viên mới tốt nghiệp đại học được tuyển vào làm việc cho một công ty du lịch làm phiên dịch cho đoàn nói gia đình có 4 người được ở trong căn hộ 100 m2 thuộc một khu chung cư ở Bình Nhưỡng.
Tôi đã từng làm việc tại Iraq trong thời gian nước này bị cấm vận từ 1995-2007. Mặc dù lúc đó Iraq được xuất khẩu dầu đem lại nguồn thu nhập rất lớn, nhưng rất thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhiều người dân bị chết đói và bệnh tật. Điện chỉ được cung cấp 2-3 giờ/ngày, nước không đủ dùng. Nói như vậy để thấy được những cố gắng của Triều Tiên là phi thường.
Ước nguyện cuối cùng của Chủ tịch Kim Nhật Thành trước khi chết là thống nhất hai miền Triều Tiên. Ban lãnh đạo và người dân Triều Tiên quyết tâm thực hiện bằng được việc thống nhất đất nước.
Tháp Chủ thể (Tower of Juche Idea) cao 174 m biểu tượng cho tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân Triều Tiên. Tất cả các công trình lớn nhất thế giới ở Thủ đô Bình Nhưỡng như tàu điện ngầm sâu 110 m, sân vận động 1/5 với 150 ngàn chỗ ngồi, khách sạn Ryuguong 105 tầng với 3000 phòng, công viên nước Munsu, bảo tàng chiến tranh trong khuôn viên hơn 10 ha, Đài tưởng niệm Thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, quảng trường Kim Nhật Thành... đều do người Triều Tiên xây dựng.
Người Triều Tiên cũng tự sản xuất được máy điện thoại động với nhãn hiệu Pyongyang, Arirang 100% linh kiện trong nước và thành lập mạng Intronet của riêng mình.
Hệ thống giáo dục và chữa bệnh miễn phí không có nghĩa là chất lượng thấp. Chúng tôi đến thăm một trường trung học phổ thông và thư viện quốc gia ở Bình Nhưỡng. Đây thực sự là ước mơ của nhiều người.
Các em học sinh tại đây rất ngoan, ý thức tổ chức, kỷ luật rất cao, được đào tạo bài bản về văn hoá cũng như các bộ môn khác gồm âm nhạc, máy tính, thủ công, đạo đức... Các em đã biểu diễn một buổi ca múa nhạc chào mừng đoàn, sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ hiện đại.
Công tác quản lý đô thị được chính quyền hết sức quan tâm. Nghèo, khó khăn không phải là lý do để thành phố nhếch nhác. Các đường phố, các khu nhà ở, các công sở, quảng trường, công viên, bến xe, bến tàu... lúc nào cũng được giữ sạch sẽ, chỉn chu.
Con sông Taedong hiền hoà chảy qua thành phố được kè đá với những hàng xây xanh thẳng tắp hai bên bờ. Đây là cố gắng to lớn của chính quyền thành phố cũng như ý thức của người dân.
Triều Tiên đang chuyển đổi, tìm cách vươn lên
Quốc hội Mỹ vừa qua đã thông qua một dự luật trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt nay đã tồn tại hơn 70 năm nay từ thời chiến tranh Triều Tiên, nhưng đất nước này đã không sụp đổ mà còn đứng vững và phát triển. Tinh thần tự lực, tự cường, ý chí quyết tâm của nhân dân Triều Tiên đã giúp đất nước vượt qua được khó khăn và thách thức to lớn.
Theo các dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Triều Tiên năm 2016 tăng 3,9%, đây là con số kỷ lục về tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên kể từ năm 1999 đến nay. Lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, GDP của Triều Tiên đã vượt tỷ số tăng trưởng của Hàn Quốc (2,8%).
Đáng lưu ý, sự tăng trưởng kinh tế kỷ lục này của Triều Tiên đã đạt được trong bối cảnh sau khi khắc phục hậu quả của đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra năm 2015 cùng với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ.
Tăng trưởng ấn tượng nhất năm 2016 là trong ngành công nghiệp khai khoáng từ -2,6% năm 2015 lên +8,4% do sản lượng khai thác than, kẽm và công nghiệp nặng đều tăng, trong đó có sản xuất hóa chất lên tới 4,8%. Việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân Triều Tiên đã tăng 22,3%, mức cao nhất kể từ năm 1991.
Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế đáng kể của Triều Tiên trong 5 năm qua một phần rất quan trọng là do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang từng bước cho phép chuyển đổi từng bước nền kinh tế sang cơ chế thị trường, bắt đầu từ các nhà sản xuất nhỏ như nông dân và thương nhân. Điều này ngay lập tức đã đem lại một sự gia tăng đáng kể trong sản xuất, buôn bán và tiêu thụ.
Ông Georgy Toloraia, giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á của Nga tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, hiện nay khu vực nhà nước của Triều Tiên chỉ chiếm không quá một phần ba nền kinh tế, chủ yếu là công nghiệp quốc phòng. Các doanh nghiệp và các công ty khác đều được tự chủ trong các hoạt động kinh doanh của mình và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Theo Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc ( Korea Trade-Investment Promotion Agency (KOTRA), kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên năm 2016 tăng 4,6% đạt 6,5 tỷ USD, đặc biệt là rau quả 74%, khoáng sản 8,9%. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 4,8% đạt 3,73 tỷ USD.
Các chuyên gia nhận xét rằng, nền kinh tế Triều Tiên đang ở vào giai đoạn tăng trưởng tự tin và năng động hơn. Ngành xây dựng và công nghiệp đang phát triển tích cực, nhu cầu tiêu thụ trong nước đang được kích thích.
Dòng vốn đầu tư tư nhân đang được khuyến khích và tăng đáng kể. Ông Lim Yul Chul, giáo sư Viện nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Gyeongnam (Changwon, Hàn Quốc) cho rằng tăng trưởng GDP thực tế của Triều Tiên năm 2018 có thể đã vượt quá 5%.
Thu nhập ngoại tệ của Triều Tiên đang tăng lên đáng kể do xuất khẩu lao động sang Trung Quốc và Nga. Từ khi Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong tháng 2/2016, Triều Tiên đã cử ngày càng nhiều lao động ra nước ngoài.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 50 nghìn lao động Triều Tiên đang làm việc ở Trung Quốc và Nga hàng năm gửi về nước khoảng 2,3 tỷ USD.
Triều Tiên đang từng bước mở cửa với bên ngoài, trước mắt là về du lịch. Hiện nay nước bạn bắt đầu cho phép các đoàn khách du lịch các nước bạn bè đến Triều Tiên, chủ yếu là khách từ Trung Quốc và Việt Nam. Tại các cửa hàng có thể trả bằng đồng Nhân dân tệ, USD và Euro.
Trong cuộc trò chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Bình Nhưỡng Lê Bá Vinh, ông nói nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chỉ trong thời gian ngắn Triều Tiên sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Đại sứ Lê Bá Vinh cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên đang bước sang một giai đoạn mới về chất sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tháng 3/2019. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước là hết sức to lớn. Ông đang có nhiều ý tưởng để biến các tiềm năng này thành hiện thực, bắt đầu bằng việc giúp Triều Tiên kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, tiến tới tự túc được về lương thực, thực phẩm.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại